- Cha các con sắp về đó. Các con học bài đi. Chuyện chi mà ồn lên rứa?
- Chúng con đang ôn bài, mẹ ạ - Côn nháy mắt với anh.
- Mẹ đã vào khung dệt rồi. Anh em mình học bài thôi.
Hai anh em học chung một đèn. Côn lấy que tăm khơi hai bấc thành hai
ngọn đèn trong đĩa dầu lạc. Khiêm hai tay bưng cằm tựa lên bàn, học nhẩm
từng chữ. Côn thì viết ra giấy nháp, xướng lên nho nhỏ để nghe từng chữ:
Ái quốc, nghĩa là yêu nước. Quốc dĩ dân lập, nghĩa là, nước do dân lập nên.
Dân dĩ quốc tồn, nghĩa là dân còn thì nước còn. Vô dân tắc quốc hà do
thành, nghĩa là không có dân sao thành nước được? Vô quốc tắc dân hà sở
tý nghĩa là, không có nước thì dân lấy đâu ra sự che chở? Cố quốc dân tất ái
quốc, nghĩa là, dân trong một nước thì phải yêu nước...
Anh cử Sắc vào Quốc sử quán thăm một người bạn là ông Phó bảng Cao
Xuân Tiếu và mượn ít sách. Anh đi từ sau bữa cơm chiều. Lúc về đến đầu
sân, anh nhìn vào nhà, lòng bồi hồi, bởi lâu nay anh chăm viêc sách đèn, lo
việc thi cử và dạy học cho con mình, cho con em bạn bè nhờ, ít khi lưu ý về
cuộc sống gia đình. Anh quá yên tâm vì đã có Hoàng Thị Loan, người vợ
hiền đảm đang, gánh vác mọi việc lớn, việc nhỏ trong gia đình. Tôi nay,
đứng ngoài sân, anh nhận rõ niềm vui hạnh phúc của gia đình mình mà
tưởng chừng chuyện trong sách, mẹ dệt cửi thâu canh, con đèn sách chuyên
cần.
Anh bước vào nhà, giọng ấm áp:
- Mình nghỉ tay một tý chứ? Làm quần quật cả ngày, tận khuya vẫn
không rời con thoi.
- Nhà về muộn rứa... Tôi cố dệt cho xong tấm đũi, bà hàng tấm bên Dinh
hẹn lấy cho phiên chợ này.
Khiêm, Côn thấy cha về, xếp sách, đặt vào kệ gọn gàng. Khiêm nháy
nháy mắt với em:
- Em nhắc lại với cha, xin cha kể chuyện ngày Quốc hận, nhé.
- Anh thưa với cha hơn, chứ anh.