- Có một tiếng chim trên cây kia, nghe lạ lắm.
Cả nhóm đều ngước nhìn. Huệ Minh bình thản lắng nghe, không nhìn lên
ngọn cây. Côn lại nhắc:
- Phải lắng tai thật tĩnh lặng mới phân rõ được tiếng chim nhỏ, mới ra
ràng thì phải.
- Ừ. Ừ... - Kỳ nói - Có tiếng chim non thiệt. Nó kêu chậm và thấp:
"Thiệp"... "Thiệp"... "Thiệp"... hay "Tiếp"... "Tiếp thiệp" long ra mấy tiếng
ấy đều đúng cả.
- "Tiệp... tiệp" thì đúng hơn. - Huệ Minh xác nhận.
- Giữa "tiệp" và thiệp" chứ nỏ giống "thiếp" hay "tiếp".
Côn hỏi các bạn:
- Hay quan Cẩm y Tôn Thất Thiệp bị giết trong hành tại Vua Hàm Nghi,
oan hồn ông hóa thành chim bay về kinh đô Huế, quê hương ông?
Cả nhóm học trò yên lặng, đăm đăm nhìn lên hàng cây hun hút lưng
trời!...
Khiêm gần như trách em:
- Em hay tưởng tượng hão huyền tận đâu đâu!
- Chưa hẳn là hão huyền, cậu Khiêm ạ. Điều cậu Côn mơ tưởng có khi là
thật. Vì quan Tôn Thất Thiệp nhớ nước, thương Vua Hàm Nghi mà đã hóa
ra chim cũng nên. Các cụ thường nói: Oan hồn thì hồn hiện. Vua Thục nhớ
nước, chết đã hóa ra con chim quốc. Khương Linh Tá bị giết còn hóa thành
đèn dẫn đường cho Đổng Kim Lân bế ấu chúa đi trong đêm, kia mà - Huệ
Minh nói.
- Có khi cậu Côn nói đúng đó, - Kỳ nói, mắt vẫn nhìn lên hàng cây.
- Không phải là tiếng chim oan hồn thì đó là tiếng chim gọi bạn, gọi
chúng mình nhớ gương trung liệt Tôn Thất Thiệp - Côn nói. Khiêm ưng ý:
- Nói rứa nghe được.
Khiêm giục các bạn đi và nhắc Huệ Minh chú ý đường đá lổn nhổn: