5.
Côn hý hoái chọn những mảnh vải đầu thừa đuôi thẹo của mẹ cắt xén từ
trong các tấm vải dệt xong. Côn đã xin phép mẹ khâu vá cho bé Văn một
cái lót ghế ngồi. Côn mô tả với mẹ về tình cảnh tàn tật của nó. Chị cử Sắc
đưa cả bọc mụn vải cho Côn lựa chọn và chị hứa sẽ khâu gối cho nó.
Nhưng Côn chưa dám thổ lộ với mẹ việc Côn dạy chữ cho nó học. Côn
muốn im lặng, khi nào nó học kha khá sẽ thưa với cha mẹ. Côn dặn kỹ
Quang và cả Khiêm, Tuấn nữa, giữ kín, coi như cả nhóm cùng giúp đỡ cho
bé Văn học được kết quả.
Khiêm đi chợ về, ngồi sà xuống bên Côn kể một thôi dài:
-... Em biết không. Anh mần theo lời mẹ dặn, anh em mình khi ra chợ
mua món chi, con trai không quen giá cả thì đợi các bà, các chị người ta
mua xong, nhờ mua giúp cho luôn thì nỏ bị hớ. Anh đang đứng trước hàng
tôm đợi có người mua để nhờ, mẹ của Quang ngồi bán cá nhìn ra anh. Bà
gọi, mời anh rối rít:
- Ôi! Anh có nói đi mua cá mua tôm chi không? - Côn hỏi Khiêm vẻ lo
ngại.
- Em coi anh như người khờ ấy! Này nhá: Quang là học trò của cha, anh
với em chơi thân với Quang. Anh gặp mẹ Quang đang ngồi bán cá thì có
khác chi bọn thuế, bọn lính cẩm đến các nhà bán hàng gợi ý: nhà chúng sắp
có giỗ, hoặc bảo ở nhà có người ốm chưa có chi ăn!
Côn cười giòn:
- Em cứ lo anh buột miệng nói mẹ sai anh ra chợ mua thức ăn thì khó xử
lắm đó.
- Anh chỉ mới nói mẹ ta đi chợ Nam Phổ bán vải và mua sợi. Rứa là bà
ấy lấy lạc định xâu cá cho anh mang về. Anh phải giữ lấy tay bà. Nhưng bà
cứ biểu: "Thím đi chợ Nam Phổ ngái lắm, lại cách đò cách giang phải gần
tối mới về được.. Cậu đưa cá về nấu cho thầy ăn. Tui mà biết thím đi vắng