6.
Từ ngày vào kinh đô Huế ở, lần đầu tiên cậu bé Nguyễn Sinh Côn thấy
cha mẹ làm mâm cỗ khá to cúng giỗ ông ngoại. Buổi tối ngồi học bài, Côn
nghe lõm bõm cha mẹ bàn bạc:
- Mình nhớ công ơn cha từ nghĩa cả: Sinh thành và dưỡng dục. Với tôi,
cha là người nuôi dưỡng, người tạo dựng cơ đồ cho, người thầy học dạy tôi
từ lúc còn bập bẹ cho đến ngày tôi đứng vào hàng lều chõng.
Côn cảm thấy vui vui nghe mẹ cười nói với cha:
- Nhà lại phạm vào cái sách "trọng nam khinh nữ". Tôi là học trò của cha
mà nhà lại chỉ nhận cho riêng mình được nhớ ơn nghĩa thầy là cái lý chi?
- Ờ nhỉ! Xin lỗi mình nhá. Mình là học trò của cha cho đến ngày có
mang bé Thanh mới xếp bút nghiên. Vậy mà tôi đinh ninh chỉ có riêng tôi
là thờ nhạc phụ với nghĩa thờ thầy nữa!
- Đàn bà... là đàn bà, dầu giỏi chữ mấy vẫn là phận đàn bà. Ở quê mình
biết bao bà mẹ giỏi chữ, có công dạy cho con học từ sách "Đồng Ấu Ngũ
ngôn thi" cho tới Tứ Thư rồi mới đi học tiếp với các thầy khác. Nhưng
chẳng ai nhắc đến công người mẹ dạy chữ mà có nhắc đến thì cũng chỉ
nhắc lấy lệ như sách Chinh Phụ Ngâm: "Dạy con đèn sách thiếp làm phụ
thân". Rất may cho bà Đoàn Thị Điểm dịch sách của Đặng Trần Côn, bà
huyện Thanh Quan có thơ đèo Ngang, bà Hồ Xuân Hương có thơ nhạo đời
mới biết các bà là những đàn bà biết chữ, đàn bà có học!...
Anh cử Sắc vừa cười vừa nói:
- Chà! Mình bữa nay "luận tội" sự bất công ở đời khiến tôi cũng chột dạ
đó.
Chị cử Sắc cười tủm tỉm. Rồi chị bàn bạc cụ thể với chồng việc cúng giỗ
cha ngày mai.
Côn đến trước cha mẹ khoanh tay:
- Thưa cha mẹ, con đã học xong bài. Anh cử Sắc gật đầu nói: