một tên vô lại được mang danh: hoàng tử lên ngôi do một tên ở Cơ mật
viện sắp xếp thì là một đại họa cho giang sơn, cho nòi giống. Tui là người
thợ mộc, tui có cách suy nghĩ của tui chứ. Ưng Lịch lên ngự trên cái giá
của cha con tui đóng, xưng: Hoàng đế Hàm Nghi. Tui chưa vội nhận là
đấng minh quân. Phải đợi cái đức sáng của Vua qua việc làm trước muôn
dân, không thể tin ở các tờ dụ, tờ chiếu của Vua được. Đến lúc Vua Hàm
Nghi cùng với quan thân thần, với các anh hùng hào kiệt và dân chúng cả
nước quyết kháng chiến đuổi giặc Tây thì cái bụng tui sung sướng vô cùng.
Cho đến lúc Vua bị bắt đày đi biệt xứ, tui vẫn thờ Vua Hàm Nghi trong
bụng của tui chứ đâu chỉ thờ Vua ở trên cái ngai gỗ tui đã đóng ra! Tui lại
buồn tủi cho cái ngai của tui là Ưng Đăng lên ngôi hoàng đế Đồng Khánh.
Nếu cái ngai nó cũng nghe được như tui thì nó càng đau lòng khi ông chủ
trị vị thiên hạ cầm bút "ngự phê những lời vàng sang nước mẹ Đại Pháp".
Và ông ta từ trên cái ngai này ban xuống:"Muôn dân hãy tin ở Trẫm. Trẫm
sẽ ban những ân thưởng cho trăm họ. Trăm họ sẽ yên vui tọa lạc dưới bóng
cây đại lộc của trẫm." Hỡi ôi! Ông vua nói khoác đã chết. Cái ngai tui đóng
còn đó. Lời nói khoác và văn tự bán nước của vua sẽ còn lưu lại với hậu
thế!
- Trong lịch sử có nhiều vua đã chết ngay khi đương kim hoàng đế. Lúc
"băng hà" chẳng qua là để vùi cái xác vô đất mà thôi. Cho nên, những ông
vua nói khoác chết cùng lúc với lời khoác lác khi đã lọt vao tai dân chúng.
Câu chuyện chú nói sáng nay, tôi càng yêu quý chú nhiều. Tôi chỉ dặn chú
một điều nhỏ: nên giữ miệng. "Cảm nộ bất cảm ngôn" chú ạ.
Bé Khiêm từ dưới bếp chạy lên:
- Thưa chú, xôi chín rồi. Đã có nước sôi làm gà chú ạ.
- Rứa à cháu. Chú xuống ngay đây - Anh phó Tràng đứng lên xoa xoa
hai bàn tay: Xin cáo lỗi thầy. Tui xuống nhà dưới đã ạ.
- Vợ chồng tôi vô đây nhờ cậy chú nhiều lắm.
- Ấy! Có đáng chi mô thầy. Tui được làm người thân tín của gia đình
thầy mà cứ ngỡ mình nằm mơ vậy!...