- Dạ, mẹ đố con à?
- Gọi là đố cũng được. Mẹ đố con là ông ngoại mất năm mô?
Côn nghiêng nghiêng đầu, mắt chớp chớp:
- Dạ... ông ngoại mất năm - Côn tính trên đốt ngón tay - năm Tỵ mẹ ạ.
- Giỏi, nhưng là chi Tỵ?
- Dạ, năm Quý Ty ạ.
- Con mẹ giỏi lắm. Con thử tính coi năm Quý Tỵ là niên hiệu chi?
Côn lại nghiêng nghiêng đầu, mắt chớp liên miên:
- Có phải... như cha con kể Vua Thành Thái lên ngôi năm Kỷ Sửu (1)
không hả mẹ?
- Phải đó con.
- Vậy thì - Côn tính trên các đốt ngón tay - Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ...
Vậy là Thành Thái ngũ niên, phải không hả mẹ?
- Phải rồi. Ở ngoài quê ta, con biết không, các bà, các ông chẳng mấy
người biết chữ. Rứa mà họ nhớ rành rọt ngày giỗ của hàng chục người thân.
Họ nhớ giờ sinh tháng đẻ của từng đứa con. Đến như loài chim còn biết
nhớ đàn, nhớ tổ. Là người thì lẽ nào lại quên cả tổ tông, ông bà của mình?
Các con thường nghe cha nhắc về họ Hồng Bàng, về mười tám đời Hùng
Vương, là nhắc các con phải biết nguồn gốc người mình, nước mình. Nòi
giống ta là Tiên Rồng chứ mô phải từ cục đất, hòn đá hở con.
- Vậy giỗ các Vua Hùng ngày mồng Mười tháng Ba cả nước cúng, hả
mẹ?
- Cả nước ai cũng nhớ ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Ai có lòng, thuận tiện
việc đi lại, có tiền lưng gạo bị thì trẩy hội về đền Hùng. "Dù ai đi ngược về
xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba". Ông cha đã đặt thành câu ca
ấy để mọi người dễ nhớ, con ạ.
- Cha biểu đền Hùng ở đất Phong Châu, ngoài Bắc Kỳ, chắc là xa lắm
lắm, mẹ nhể?
- Mẹ cũng chưa được đi tới đó con ạ! Chắc đường đất xa xôi lắm.