cho - "Nỏ dám" - chị cử Sắc đỡ lời - Đã học mót lại hay nói chữ. Thánh
hiền dạy chí phải: "Triêu văn đạo, tịch tử khả hy" (buổi sáng được nghe
điều sáng tỏ đạo lý, chiều có phải chết cũng thấy thỏa).
- Mọi sự phải lấy đạo làm gốc, chú ạ.
- Chính rứa đó bác. Hôm nọ tôi sang sửa lại cái cọc xà quay sợi, nghe
thầy cử giảng cho các nho sinh lớp lớn tuổi, tui thuộc được hai câu, đêm
đêm đặt tay lên trán ngẫm nghĩ, thấm thía lắm bác cử ạ.
- Hai câu ở sách chi, hả chú?
- Tui nỏ nhớ sách. Tui chỉ biết thầy cử Sắc giảng là nghe lọt vô tận tâm
can.
- Chú đọc cho nghe, chú.
- Câu thứ nhất: Quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như
khấu thù. Ở trong câu ni tui muốn thay một chữ bác cử ạ.
- Chú nói thử nghe coi chú.
- Thay chữ "dân" thì rộng ý nghĩa hơn là để chữ "thần". Này nhá: Nếu
vua coi dân như chó ngựa thì dân ắt phải đối với vua như giặc thù. Bác
nghe có ổn không?
- Được chú ạ. Thần tức là những bầy tôi của vua trong đó bao gồm cả
muôn dân. Vua đã coi thần như chó ngựa thì vua còn coi dân ra cái giống
chi nữa?
- Cháu Khiêm, cháu Côn, nghe chú nói rứa liệu có được không? - Phó
Tràng hỏi.
Khiêm nhìn chú phó Tràng cười, đáp gọn một tiếng: "Được, chú ạ". Côn
thì gật đầu nói:
- Thưa chú, cháu còn nhớ một câu cha cháu giảng là: Dân vi quý, xã tắc
thứ chi, quân vi khinh. Rõ ràng dân là quý hàng đầu rồi mới đến quốc gia,
còn vua thì không đáng kể. Vậy mà vua lại coi dân như chó ngựa thì dân
phải trừ khử ngay cái thứ vua đó, chú ạ.