đang xâm chiếm tâm hồn. Văn Bách say mê nhìn từng cánh chim lượn vun
vút quanh bầu trời. Những con chim bồ câu này từ Đốc bay đến, chắc chắn
lại sẽ trở về Đốc, tổ ấm của chúng. Anh có thể gửi một bức thư đến Đốc
bằng cách buộc thư vào chân của một con bồ câu. Tại nhà anh, bà quản gia,
vẫn nuôi rất nhiều bồ câu. Hy vọng con bồ câu sẽ mang thư đến tận tay bà.
Nhưng làm cách nào để anh có thể nhận lại được tin tức từ Đốc gởi đến
đây? Anh phải bắt hai con chim bồ câu và cho chúng đẻ trứng. Sau đó, đôi
chim bồ câu sẽ bay về Đốc và tất nhiên sẽ trở lại như chúng đang trở về tổ
ấm.
Thực hiện ngay ý định, hằng ngày, Văn Bách đặt sẵn thức ăn ở cửa sổ để dụ
những con chim tới gần. Ở phòng giam mới của Văn Bách, bậc thành ngoài
của cửa sổ rất rộng, có thể cả chục con chim bồ câu đậu vào cũng vừa.
Chẳng bao lâu, Văn Bách đã dụ được một đôi bồ câu khác giống. Sau một
vài tuần con mái đẻ trứng. Chúng lập tổ ở thành ngoài cửa sổ. Văn Bách
cẩn thận đặt tổ chúng khuất sau cửa sổ để tránh sự dòm ngó của mấy ông
quản ngục.
Ngay sau khi đã có trứng. Văn Bách viết ngay hai bức thư bằng cây bút của
Mỹ Lan đã đua cho anh lúc trước. Xong xuôi, anh buộc hai bức thư vào
chân con chim bồ câu mẹ, con chim vụt bay lên và trở về ngay chiều hôm
đó. Hai bức thư vẫn còn buộc nguyên trên chân nó. Mười lăm ngày sau đó,
con bồ câu mẹ vẫn bay đi bay về, hai bức thư cột nơi chân vẫn chưa được
lấy đi. Qua ngày thứ mười sáu, con bồ câu mẹ trở về với đôi chân không.
Văn Bách mừng rỡ vô cùng.
Bức thư đầu tiên viết cho bà quản gia già để báo cho bà biết tình trạng của
Văn Bách và lá thư thứ hai viết gởi cho Mỹ Lan. Một ngày kia, bà quản gia
đang chăm sóc những con chim bồ câu ở nhà Văn Bách như thường lệ. Bà
bỗng nhận thấy một con chim có cái gì khác lạ với các con khác. Bà nhận
ra hai bức thư nơi chân nó. Đọc qua lá thư gửi cho bà xong, bà vội đi tìm
Mỹ Lan và đưa cho nàng bức thư kia.