hai chiếc khuy áo ngoài.
— Nhưng ông bảo tôi lấy gì mà trả bây giờ? Vấn đề là ở chỗ đó. Hiện
lúc này, tôi không có lấy một xu.
— Nếu thế anh có thể đem những tác phẩm của anh gán trả nợ cho ông
chủ đây – viên cảnh sát nói – có thể ông ta sẽ thuận để anh gán tranh trả nợ.
— Không, ông ạ, xin cám ơn ông, tôi chịu thôi, tôi không lấy tranh làm
gì. Giá là những bức tranh có nội dung cao quý và có thể đem treo lên
tường được; một vị tướng có đeo sao, hay chân dung công tước Kutuzov
chẳng hạn thì còn được, đằng này, đấy ông xem, lại đi vẽ một thằng mu
gích, mặc áo nhà quê, cái thằng ở vẫn nghiền thuốc vẽ cho anh ta ấy mà.
Lại vẽ chân dung cái thằng con chó ấy. Tôi thì tôi sẽ đánh bể sọ nó ra, nó
nhổ hết đinh cửa nhà tôi, cái thằng ăn cắp! Đây, ông xem những đề tài anh
ta vẽ: kia là căn phòng của anh ta. Giá vẽ nó gọn gàng sạch sẽ thì còn khác,
đằng này lại vẽ nó với đủ các thứ rác rưởi bẩn thỉu, đồ đạc ngổn ngang thế
kia. Ông thử nhìn xem anh ta bày ra ở căn phòng này như thế nào. Trong
khi những vị khách khác của tôi, người ta ở bảy năm, những vị trung tá,
những bà phu nhân như Anna Petrovna… Không, tôi xin nói với ông điều
này là không có thứ khách thuê nhà nào tệ hơn như một thằng họa sĩ: đúng
là những đồ chó chết; lạy trời đừng bắt chúng tôi phải chứa!
Anh họa sĩ đáng thương đành phải nhẫn nhục ngồi nghe. Trong khi đó,
viên cảnh sát xem, ngắm các bức tranh, các bản phác họa, và lập tức tỏ ra
có một tâm hồn hơn lão chủ nhà, thậm chí ở hắn ta còn có chút ít khả năng
rung cảm nghệ thuật nữa.
— Hừ! – hắn giơ ngón tay chỉ vào một bức tranh đàn bà khỏa thân – bức
thư này… hơi nhảm đấy. Thế còn cái gã này, sao dưới mũi lại có cái gì đen
đen, thuốc lá dính vào hay sao thế?
— Cái bóng – Chartkov sẵng giọng đáp lại, mắt không nhìn viên cảnh
sát.
— Giá đặt ở chỗ khác thì hơn, ngay dưới mũi thì rõ quá. Thế còn đây là
ai? – Viên cảnh sát vừa nói tiếp vừa bước lại gần bức chân dung lão già –