mình bằng tiếng Nga (bà khách là người thường quan tâm đến hội họa và
đã cầm cặp kính tay đi khắp các phòng tranh ở Ý). Tuy nhiên cũng có me
xừ Zero… chà, một họa sĩ mới tuyệt chứ! Nét bút của ông ta thật thần tình!
Tôi thấy những khuôn mặt ông ta vẽ còn nhiều cốt cách hơn cả các chân
dung của Titian vẽ nữa! Ông có biết me xừ Zero ấy chứ?
— Cái ông Zero ấy là ai? – họa sĩ hỏi.
— Ông Zero. Ồ, một tài năng lỗi lạc! Ông ấy đã vẽ cho em Lise đây một
bức chân dung hồi em nó mới mười hai tuổi. Thế nào ông cũng phải ghé
qua nhà thăm chúng tôi mới được. Lise, con sẽ đưa ông xem tập tranh của
con nhé. Ông ạ, chúng tôi đến đây để nói với ông vẽ ngay cho cháu Lise
một bức chân dung.
— Ồ được lắm. Tôi xin sẵn sàng làm ngay.
Chỉ một thoáng Chartkov đã đẩy lên phía trước một cái giá vẽ có căng
vải sẵn, tay cầm bảng trộn màu và mắt chăm chú nhìn vào khuôn mặt nhỏ
nhắn xanh xao của cô con gái. Ví thử Chartkov là người am hiểu tường tận
bản chất con người, thì ngay lúc đó anh đã có thể đọc thấy những buổi dạ
hội khiêu vũ đang làm chớm nở trên gương mặt cô gái một nỗi ham thích
ngây thơ, thấy thoáng hiện một vẻ buồn bực và những câu than phiền sắp
tới về nỗi thời gian trước bữa ăn và sau bữa ăn sao quá dài, anh sẽ đọc thấy
niềm khát khao muốn chạy đến những nơi hội hè để khoe chiếc áo mới, đọc
thấy những vết tích nặng nề của những buổi khổ công tập luyện nghệ thuật
không chút hứng thú, mà bà mẹ bắt buộc con gái không được bỏ qua, để
nâng cao tâm hồn và tình cảm. Nhưng trên khuôn mặt dịu dàng ấy,
Chartkov chỉ nhìn thấy cái chất sứ trong suốt của da thịt, có sức hấp dẫn
cây bút, một vẻ uể oải duyên dáng nhẹ nhàng, một cái cổ nhỏ bé, trắng trẻo
và một thân hình thanh tú đài các. Anh đã chuẩn bị trước để đắc thắng, để
phô trương nét bút nhẹ nhàng rực rỡ của mình, cây bút của anh từ trước đến
nay chỉ quen với những đường nét cứng nhắc của những hình mẫu thô
kệch, với những pho tượng cổ đại nghiêm khắc và những bức mô phỏng tác
phẩm các danh họa cổ điển. Anh đã hình dung thấy trước anh sẽ thể hiện
khuôn mặt thanh tú này ra sao.