— Ông vẽ em nó thành Psyche? C’est charmant! – bà mẹ mỉm cười nói,
và cô con gái cũng mỉm cười theo.
— Lise, vẽ thế này hợp với con nhất phải không? Quelle idée délicieuse!
Mà nét bút mới điêu luyện làm sao! Ngang Correge đấy! Xin thú thật là
tôi đã từng đọc báo và nghe nói nhiều về ông, nhưng không ngờ ông lại có
một tài năng như vậy, không, thế nào ông cũng phải vẽ chân dung cho cả
tôi nữa.
Chắc hẳn bà ta cũng muốn họa sĩ vẽ mình thành Psyche hoặc một cái gì
kiểu như vậy.
“Biết làm thế nào được đây? – Họa sĩ nghĩ thầm. Họ đã thích thế, thì cứ
để thế, họ đã muốn thành Psyche thì để họ thành Psyche”, và anh nói to:
— Mời tiểu thư chịu khó ngồi thêm một lát, tôi cần chữa lại chút ít.
— Ồ, tôi chỉ sợ ông… Cứ thế này đã giống lắm rồi.
Nhưng họa sĩ hiểu rằng bà sợ là sợ cái màu vàng kia, nên an ủi bà ta, nói
rằng chỉ muốn to cho đôi mắt sáng hơn, sinh động hơn. Thật ra anh thấy
ngượng quá và muốn chữa cho bức tranh giống người mẫu hơn dù chỉ một
chút nữa thôi cũng được, để ai đó không có thể trách anh là bất lương một
cách quá trắng trợn. Và, quả thật những nét mặt của cô gái xanh xao bắt
đầu hiện dần lên rõ hơn trên khuôn mặt của Psyche.
— Thôi! – bà mẹ kêu lên, bà ta sợ họa sĩ vẽ giống quá.
Người ta cảm ơn họa sĩ đủ cách: một nụ cười, một món tiền, biết bao
nhiêu lời khen, một cái bắt tay, lại mời đến nhà ăn bữa tối; tóm lại, anh
nhận được muôn vàn phần thưởng thú vị. Dư luận trong thành phố xôn xao
về bức chân dung. Bà khách đem nó ra khoe với các bà bạn; ai nấy đều
kinh ngạc vì tài nghệ của họa sĩ đã vẽ được rất giống, đồng thời lại tôn
được vẻ đẹp lên rất nhiều so với người thật. Điều nhận xét sau này rõ ràng
không khỏi nhuốm chút ghen tỵ. Và bỗng nhiên từ đấy người ta tới tấp đến
đặt họa sĩ làm tranh. Tưởng chừng cả thành phố muốn đến nhờ anh vẽ chân
dung cho. Chuông cửa réo liên tiếp. Điều đó đáng lẽ ra có thể có phần tốt,
nó cho anh một dịp tha hồ luyện bút với rất nhiều vẻ mặt khác nhau. Nhưng