Gămbađu chậm rãi đọc, để vừa nhớ lại từng câu, từng chữ và cũng để cho
Nha-phơ-rông viết kịp. Khi bài chính tả đã viết xong, Nha-phơ-rông đút sổ
tay vào túi và nói:
- Anh cứ bình tĩnh, không ai còn có thể đến lấy trộm của chúng tôi được...
Việc này, anh có thể tin ở chúng tôi.
Thấy Gămbađu còn băn khoăn, Ma-đi bèn hỏi:
- Anh có cần gì không? Chẳng hạn anh đã có gì ăn chưa?
- Tôi không đói. Tôi xoay xở được mà. Bây giờ cứ để tôi một mình ở đây.
Những người "Bạn đồng hành" không nói gì thêm, sợ bất thần anh lại nổi
nóng vì họ thấy tay anh đã nắm chặt tay lại. Vả lại họ cũng vội trở về nhà
trọ Ca-bơ-rêt để giải mã bài thơ vô nghĩa đó.
- A lê hấp! Chúng ta bắt tay vào ngay đi! Ti-đu sốt sắng nói khi đã về đến
nhà trọ - Các cậu nghe kỹ đây. Theo tớ thì cứ cho là những chữ cái đầu tiên
của mỗi câu thơ tức là những chữ viết bằng mực đỏ trong bản gốc sẽ lập
thành một câu. Nào tớ nhắc lại là chữ cái thường gặp nhất trong bài là chữ
"e", sau đó là chữ "s". Ta lấy chữ "g" biểu thị cho chữ "e" và chữ "u” biểu
thị cho chữ "s".
Nha-phơ-rông cắt ngang:
- Nói cách khác là những chữ cái đầu dòng phải xê dịch lên hai nấc trong
thứ tự bảng chữ cái abc... phải không?
Cậu rút bút bi ra và xé một tờ giấy trắng trong sổ tay, xê dịch những chữ
viết hoa đầu dòng lên hai nấc trong bảng Thứ tự an-pha-bê thì được một
dãy chữ cái của hai mươi bốn câu thơ như sau:
F.U.N.F.M.E.T.E.R.A.M.O.S.T.E.N.D.E.S.P.R.O.N.S.
Tờ giấy được chuyền tay từ người này đến người khác. Chẳng có một ai,
ngay cả Ma-đi dù sáng suốt nhất cũng không thể xếp những chữ cái đó để
thành một câu có nghĩa:
La Ghiơ gợi ý:
- Chúng ta thử đọc ngược từ dưới lên xem sao?
Chao ôi! Nó vẫn thế, những chữ đó chẳng có ý nghĩa gì cả.
Đã quá trưa, mọi người mới nhận ra là quên cả việc chuẩn bị cho bữa ăn;
Ma-đi tuyên bố: