- Thưa ông thượng sĩ, ông cho khám người anh ta - Ma-di nói - Bài thơ có
thể đang ở trong người anh ta đấy.
Sác-chi-ê phản kháng. Hắn không muốn người ta đụng vào người hắn. Hắn
giãy giụa khi hai người cảnh sát đến gần hắn. (Hai người cảnh sát không
còn việc gì ở dưới kia nữa đã lên cả trên phòng áp mái). Viên thượng sĩ ra
lệnh:
- Toa-nắc! Khám trong người!
Người lính cảnh sát lấy trong túi của hắn ra những vật nhỏ: dao con, bật
lửa, chùm chìa khoá, v.v.. và ở túi trong của chiếc áo khoác, ông lấy ra một
mảnh giấy gấp tư màu vàng nhạt.
- Đúng, Bài ca mặt trăng đó rồi! - Gămbađu kêu lên - Hắn đã đến ăn cắp ở
lán của tôi đấy.
Viên thượng sĩ giở tờ giấy ra, đọc một lượt rồi gật đầu:
- Giữa bài văn vô tiền khoáng hậu này và vụ ăn trộm vàng có liên quan với
nhau chứ?
- Chắc chắn là có liên quan - Ma-đi nói - Chính đó là một bản mật mã.
- Cô tin như vậy à?
- Chúng tôi đã biết cái đó... một bản mật mã bằng tiếng Đức.
- Thế nhưng, theo tôi thì nó được viết bằng tiếng Pháp đấy chú!
- Những chữ cái đầu tiên của mỗi câu thơ chuyển dịch lên lại hai nấc theo
thứ tự abc..., ghép lại thành một lá thư di chúc bằng tiếng Đức, có nghĩa là
Về phía đông năm mét, cách cái Prons. Thật không may, ngay cả sự giúp
đỡ của một giáo sư dạy tiếng Đức ở Xanh-phơlua cũng không tìm ra nghĩa
của chữ Prons là gì, vì đó là từ thổ âm của địa phương nào đấy ở bên Đức.
Viên thượng sĩ nhấc chiếc mũ kê-pi lên để gãi đầu. Bài thơ Ca ngợi mặt
trăng theo ông thật lạ lùng.
- Thế nhưng sự việc đúng như vậy - Ti-đu nói - Tên này đã đào một cái lỗ
đúng theo lá thư chỉ dẫn mà không phải mò mẫm chút nào. Hắn đã biết
được từ cuối cùng Prons trong lá thư là cái giếng.
Lần này Sác-chi-ê cảm thấy tuyệt vọng. Chiếc ủng, lá thư, sự trốn chạy một
cách ngớ ngẩn, tất cả đã buộc tội hắn. Hắn nhìn con Ka-phi bằng con mắt
thù ghét, rồi thốt lên tiếng thở dài.