– Gôya, tôi cho rằng anh đã quên những nguyên tắc cơ bản đã công bố
trong phiên họp cuối cùng của Viện Hàn lâm.
Franxitxcô lẳng lặng khoanh tay trước ngực:
– Không, tôi nhớ lắm, anh Bayơ.
– Tôi đã từng tuyên bố: Các họa sĩ không được tách rời truyền thống
vinh quang của hội họa cổ điển. Tôi đã khẩn thiết chỉ rõ rằng, nhân vật
trong bích họa, phải là những con người tượng trưng cho cái Thiện và Mỹ,
cụ thể là những hài đồng, những chàng mã thượng, những thiếu nữ thanh
lịch, thể hiện cuộc sống hạnh phúc, tươi vui của Triều đại. Đức Hoàng đế
và Hoàng hậu là những người có tình cảm tinh tế, tôi không cho phép người
nào trình bày những bức tranh có thể làm cho Ngài Ngự chướng mắt và
phật ý.
– Hoàng đế và Hoàng hậu không thể bị chướng mắt và phật ý vì những
thần dân mà Ngài Ngự vẫn thường gặp trên đường phố Mađrit hoặc trên
đồng ruộng nông thôn. Đấy chính là những người Tây Ban Nha, tất cả đều
giống như Đức Vua và Hoàng hậu.
– Đây đúng là những hình tượng bỉ ổi, kỳ quái đến nực cười, anh bạn ạ.
Tôi không thể nào hiểu nổi.
Bayơ đẩy những phác thảo ra, ngẩng nhìn lên, vẻ kiêu căng đầy khinh
thị. Franxitxcô cố nén giận nhặt những bản vẽ, xếp lại:
– Anh Bayơ, tôi muốn được trình bày quan điểm riêng. Tôi nghĩ, Đức
Vua là một người đàn ông, Hoàng hậu là một người đàn bà. Đó là những
người Tây Ban Nha như tất cả chúng ta.
– Anh lại muốn truyền bá những nguyên lý cách mạng hay sao?
– Không phải thế. Đức Vua và Hoàng hậu cũng được sinh ra, sống và
đau đớn, rồi một ngày kia, Ngài Ngự cũng sẽ chết đi như tất thảy mọi
người. Vậy thì tại sao ta lại coi các vị ấy như những nhân vật bằng sứ mỏng
mảnh dễ vỡ phải bọc kín trong nhung lụa? Tại sao ta lại cứ phải vẽ đầy
vòm trần vọng cung Thánh đường San Antôniô những chú hài đồng mũm
mĩm, những con người phong lưu giả tạo, những bà Hầu tước, những Công