– Nếu là người khác, tôi sẽ không tha thứ những lời nhục mạ ấy. - Gôya
nói với giọng thách thức.
– Thì cậu làm gì nào? Cậu định thách đấu kiếm với mình, như bọn sĩ
quan người Catxti
đầy kiêu ngạo chăng? Hay cậu thách mình một cuộc
đấu roi trên sân?
– Mactin, tôi đã nói trước rồi đấy.
Gôya bước tới, vẻ đe dọa, bàn tay nắm chặt. Nhưng bạn anh không nhúc
nhích. Họ gườm mắt nhìn nhau. Cuối cùng Gôya quay mặt đi, bỏ ra nằm
xuống giường, hai tay ôm lấy đầu.
– Tại sao anh khinh tôi, Mactin?
– Tôi không khinh cậu. Chính cậu tự khinh mình. Thói kiêu căng đẩy cậu
đến chỗ quên là cậu đã xuất xứ từ một làng nhỏ và quên ông thân sinh ra
cậu là một người thợ mộc.
– Tôi không quên bố tôi, cũng không quên cái làng nhỏ của mình. Mỗi
khi nghĩ đến ông cụ - một người thợ thủ công chân thực nhất - và nhìn thấy
ông trong xưởng mộc, cúi gập mình xuống trước mặt tên lãnh chúa Fuente
đê Tôđôt (Fuente de Todos) tôi tự nguyện với mình quyết chẳng bao giờ
quỵ lụy trước mặt ai. Người Pháp đã chẳng từng tuyên bố rằng tất cả mọi
người trong xã hội đều bình đẳng đó sao? Tôi không phải cấp dưới của một
quý tộc ngốc nghếch nào hết.
– Chuyện ấy thì còn phải xem đã. - Dapatơ lẩm bẩm nói và ngồi xuống
cái ghế duy nhất trong buồng. - Người Pháp cho rằng người ta sinh ra đời
đều bình đẳng. Không phải chỉ đơn giản như vậy đâu, Pacô. Người ta chỉ
có thể đạt được ý nguyện tự do, bình đẳng bằng sự nỗ lực của chính bản
thân. Cậu vẽ bức chân dung giáo sĩ Đôn Mactin Ankuê tốt đấy. Nhất là cái
đầu, cậu đã thành công. Nhiều người nhận xét rằng cậu lột tả được cả tâm
hồn ông ta trên mặt vải. Nhưng phần thân người, cậu vẽ tệ quá. Cậu đã
chứng minh một sự dốt nát hoàn toàn về giải phẫu học, hoặc một sự lười
biếng không thể tha thứ được.