– Nào, Đức Cha. Xin người hãy dẫn giải cho chúng ta ý nghĩa bức bích
họa này đi!
Trước đây, chính vị Giáo sĩ này thoạt đầu khi xem phác thảo của Gôya
cũng có phản ứng như bị kích động và xúc phạm, ông có cảm giác như vừa
bị lôi cuốn, vừa muốn chối bỏ. Nhưng từ khi ông bị cuốn hút vào với công
việc say mê, mải miết của mình, từng mảng bối cảnh trong bức tranh dần
dần được thể hiện lên, sinh động và hấp dẫn với những nhân vật như có
xương thịt và toát lên tình cảm nhân đạo sâu sắc, thì ông đã trở thành một
trong những người ca ngợi anh nhiệt thành nhất, cũng như vị Giáo chủ áo
đỏ trong Giáo đường. Bằng những lời rành rẽ, ông trình bày:
– Tâu Hoàng thượng, bức tranh này kể lại một giai đoạn lịch sử trong
cuộc đời thánh thiện của Thánh Antoan đê Pađu. Đức Thánh phải tự thân
đến thành phố Litxbon để bảo vệ cho thân phụ của Người bị kết án vì can
tội sát nhân. Vụ án không có bằng chứng cụ thể. Để minh oan, cũng không
có dẫn chứng xác thực, Thánh Antoan cầu xin Đức Chúa Cha bằng phép lạ
của Người, làm cho nạn nhân sống lại. Thủ phạm thật của vụ hình phạm
phải ra thú nhận tội lỗi, thế là ông thân sinh của Thánh Antoan được giải
thoát. Tâu Hoàng thượng, đây là một phép mầu kỳ diệu nhất.
Đức Vua cúi đầu, cắn môi suy nghĩ rồi nhìn mọi người xung quanh. Hầu
hết đám cận thần đều có vẻ ngỡ ngàng lúng túng. Nhà Vua chẳng rút ra
được một ý tưởng nào trong thái độ của họ. Thủ tướng Đông Manuen cũng
giữ bộ mặt lầm lì, lặng ngắt. Hoàng hậu Luidơ thì không ngắm bức bích
họa mà chỉ để ý nhìn nàng Công tước Anbơ. Còn nữ Công tước thì lại có vẻ
đắm chìm trong vòng suy tư mơ mộng nào đó; đôi môi hồng điểm một nụ
cười khó hiểu. Thấy không thể dựa vào một nhận xét nào của người chung
quanh để đưa ra ý kiến riêng, Đức Vua bực mình kêu lên:
– Sao vậy? Các người hóa câm cả rồi ứ? Nào thử nói xem, các khanh
nghĩ thế nào về những bức bích họa này?
Cười cay độc, Hoàng hậu nói nhỏ vào tai Vua: