– Một vài người bạn ở Anh và ở Áo cũng cho tôi biết tin ấy - Gôya thận
trọng trả lời.
– Người ta cho đó là câu chuyện “bí mật ai cũng biết”. Tôi không hiểu
dư luận ấy có căn cứ không, nhưng riêng tôi cho là có. Mỗi sắc lệnh mới
ban hành của Bônapactơ đều chỉ rõ khả năng ấy. Song, dù ông ta có chụp
vương miện lên đầu, lập một Triều đại mới tại nước Pháp, thì đó cũng là
thứ yếu, chỉ có ý nghĩa hình thức. Cái chính là, trong lúc này, ông ta đang
mạnh nhất lục địa Âu Châu.
Franxitxcô tự hỏi, không biết ông ta định đưa câu chuyện đến đâu. Một
vị Thủ tướng lại sẵn lòng thảo luận những công việc có ảnh hưởng đến vận
mệnh nước nhà với một họa sĩ bình thường. Chuyện đó, anh không hiểu
nổi. Nhưng anh vẫn chưa hiểu vì sao ông ta lại phát biểu thành thực chính
kiến và cương quyết bảo vệ những quan điểm ấy đối với anh, một họa sĩ
Hoàng cung, không có ảnh hưởng gì trong chính giới? Gôđoa nói tiếp:
– Tôi vẫn thường nghĩ, nếu Bônapactơ cao hứng đưa quân vào xâm lược
Tây Ban Nha, thì chỉ trong vòng một tháng, ông ta có thể làm chủ đất nước
này. Có những nước hùng mạnh hơn ta nhiều mà cũng không thể đương
đầu nổi. Còn ta, chúng ta không hy vọng giành được thắng lợi trong một
cuộc chiến không cân sức, mà ngay cả người Phổ và người Áo cũng đã nếm
mùi thất bại.
– Đối với một công dân bình thường như tôi, những ý kiến của Ngài hết
sức đúng đắn. Hơn ai hết, Ngài thừa hiểu niềm tin tưởng của tôi là, vô luận
trong tình huống nào, ta cũng phải giữ mối quan hệ hữu hảo với người
Pháp.
Franxitxcô Gôya hiểu rằng Thủ tướng đang thăm dò và thử thách anh, vì
cho rằng anh đã nắm được ý đồ sách lược sâu hiểm của ông ta đang muốn
xoay chuyển chiều hướng lịch sử Tây Ban Nha. Anh không quên là chỉ một
dấu hiệu bất đồng nhỏ cũng sẽ có thể đưa đến cho anh những tai họa lớn:
kìm kẹp lao tù hoặc giá treo cổ. Nước cờ quan trọng đến mức Gôđoa chẳng
ngần ngại gì thí bỏ một anh chàng họa sĩ, nếu thấy rằng chỉ một câu nói sơ
hở của anh có thể làm ông ta thất bại hoặc gây nhiều khó khăn.