Franxitxcô biết rằng chống đối công khai hoặc lừa gạt một người như
Gôđoa là việc ngu ngốc. Thành thật là tốt hơn hết.
– Thưa Ngài, cơ quan Mật Vụ chắc đã tường trình là tôi không tán thành
những đường lối, chính sách của Ngài trước đây. Tôi đã phát biểu quan
điểm thành thật và tự do, thưa Ngài.
Gôđôa không kìm nổi kinh ngạc. Không quen thái độ chống đối trực diện
như vậy, ông nín lặng chờ.
– Giờ đây được biết rõ ý đồ của Ngài, - họa sĩ nói tiếp, - tôi hoàn toàn
nhất trí về chủ trương liên minh với người Pháp. Đối với tôi, việc dám bày
tỏ chính kiến với Thủ tướng là một việc làm mạo muội, vì như Ngài đã biết
tôi chỉ là một người bình thường. Tôi không giấu cảm tình với nước Pháp
và sự tôn kính sâu sắc một nhân vật lớn như tướng quân Bônapactơ.
Báo cáo của cơ quan Mật Vụ đã nhiều lần nói rõ thái độ thân Pháp rất
công khai của họa sĩ. Điều đó đúng sự thật. Mặt khác, ông cũng thấy, do
đối lập về quan điểm ấy mà quan hệ giữa họa sĩ với nữ Công tước Anbơ trở
nên hết sức căng thẳng.
Tuy vậy, Gôđoa vẫn nhấn thêm:
– Tại sao ông lại có cảm tình với người Pháp, Xêno Gôya? Tôi biết phần
lớn các nhà văn và nghệ sĩ bạn ông đều coi Bônapactơ như một tên bạo
chúa?
– Có thể ông ta cũng là một bạo chúa thật. Một khi đất nước vừa ra khỏi
tình trạng hỗn loạn, việc thi bành những biện pháp cứng rắn, nhằm duy trì
trật tự là điều rất cần thiết. Tôi không phải người nắm bộ máy cai trị, không
phải nhà ngoại giao hay chính khách, cho nên không thông thạo lắm về
lãnh vực phức tạp này. Nhưng tôi biết một cách chính xác rằng, Cách mạng
đã thiết lập những nguyên lý Tự do, Bình đẳng, Bác ái cho xã hội Pháp. Đã
một thời nhân dân Pháp được hưởng quyền đó và Bônapactơ đã tuyên thệ
không bao giờ phản bội lý tưởng cao cả ấy và đã giữ lời hứa. Đấy, mặc dầu
các nhà nước Italia bị phụ thuộc vào Pháp, không còn quyền độc lập tự chủ,