nhưng nhân dân, lần đầu tiên trong lịch sử các nhà nước ấy cũng vẫn được
hưởng quyền tự do, dân chủ như nước Pháp.
Franxitxcô không dám nói thêm suy nghĩ thầm kín của anh là trong khi
ấy, mặc dầu Gôđoa, tán thành Bônapactơ nhưng chưa bao giờ ông ta dám
ban hành một biện pháp nào nhằm nới rộng chút quyền tự do cho dân Tây
Ban Nha.
Đông Manuen mỉm cười, ông đã nhận xét và đánh giá đúng họa sĩ. Anh
ta là một nghệ sĩ say sưa với những lý tưởng cao đẹp. Anh ta không hiểu
rằng cái “bình đẳng” và “tự do” mà người Pháp ban cho các nước bị chinh
phục, sự thực chỉ là ảo tưởng. Chỉ một vài kẻ nắm quyền cai trị có được
quyền ấy, mà chính bọn này lại càng siết chặt hơn sợi dây tròng cổ nhân
dân trong nước họ.
– Tôi thành thực hoan nghênh ông đó, ông bạn. Và tôi tự hỏi, tại sao
chúng ta cùng chung quan điểm như vậy mà ông lại chưa đồng ý cùng đứng
với tôi trên lập trường phục vụ nước Tây Ban Nha mà chúng ta hết lòng
yêu mến? Số đông bạn bè ông phản đối lập trường liên minh với người
Pháp của ông. Nhưng họ không dám công khai nói rõ. Chính phủ sẽ có
cách làm cho họ sẽ thay đổi chính kiến, với điều kiện biết chắc chắn những
suy nghĩ của họ.
Với những lời lẽ có hàm ý, ông ta muốn đề nghị Gôya giúp đỡ trong
công việc phức tạp ấy. Có nghĩa là anh sẽ trở thành một cánh tay của cơ
quan Mật Vụ, một điệp viên nằm giữa bạn bè, dò xét thái độ và hành động
của họ, để báo cho nhà chức trách. Gôya thừa biết, với việc tống họ vào tù,
dùng những cực hình tra tấn, chính phủ, theo lời Gôđoa vừa nói, sẽ dùng
những biện pháp gì để làm họ thay đổi chính kiến. Anh còn đủ tỉnh táo để
tự ghìm mình xuống, và trả lời khô xẵng:
– Bạn bè tôn trọng quyền tự do tư tưởng của tôi. Và họ cũng mong được
tôi đối xử lại như vậy. Việc này làm tôi nhớ đến câu Vônte viết trong bức
thư gửi cho bạn: “Tôi hoàn toàn đối lập với quan điểm của anh, nhưng tôi
sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền của anh được phát biểu quan điểm
ấy”.