Anh đã tự hứa là sẽ giữ thái độ thật bình tĩnh, vậy mà những lời phỉ báng
cay độc cứ bật ra, ngoài ý muốn. Tuy nhiên, anh không ân hận vì đã nói
những lời ấy, đó là tất cả sự thật.
– Tôi không phải là một nghệ sĩ, nên tôi không thể nhìn tôi bằng con mắt
của ông.
– Cái nhẫn Công nương đeo trên ngón tay kia, nếu bán đi, có thể đủ tiền
để nuôi tất cả những cô “maja” của cả Mađrit này, suốt đời họ. Công nương
đã biết thế nào là đói chưa? có biết thế nào là sự thiếu thốn không? đã từng
sống trong những căn nhà tối tăm dột nát chưa?
– Những câu đùa của ông thật chướng quá đấy.
Nàng vẫn quay theo điệu vũ, vừa nói vừa bật những ngón tay lách tách
như đánh nhịp. Tất cả đám đông vỗ tay theo nhịp nhạc. Franxitxcô phải cất
cao giọng thêm để nói cho rõ:
– Tôi cam đoan với Công nương là tôi không hề có ý đùa cợt. Xuất hiện
trước dân chúng kinh thành này với bộ y phục lộ liễu của một “maja” là
một điều thích thú đối với Công nương. Nhưng Công nương có bao giờ
nghĩ rằng những con người thực ấy thì lại mong có những thứ y phục nào
khác để khoác lên cuộc đời nhơ nhớp của họ không? Công nương nghĩ rằng
cách kiếm sống lang thang khốn khổ trên đường phố làm họ thích thú lắm
sao? Bộ trang phục này rất ăn ý với sắc đẹp của Công nương, nhưng đối
với những cô “maja” kia, họ mặc thế không phải để phô trương thân hình
hấp dẫn của họ như một thứ quảng cáo đâu. Bộ trang ấy đối với họ, như
một dấu ấn, một nhãn hiệu, một thứ đồng phục nghề nghiệp mà thôi.
Franxitxcô Gôya rất đỗi ngạc nhiên khi không thấy Maria Cayettana nổi
giận vì những lời lẽ gần như phỉ báng của anh. Trái lại, nàng mỉm cười có
vẻ hơi đượm buồn, và nói nhỏ nhẹ:
– Ít ra, mặc như thế này, ông cũng thấy tôi đẹp chứ?
– Tôi không chối cãi điều ấy. Nhưng sắc đẹp đâu phải là điều kiện để
miễn thứ cho những hành động phóng đãng. Hay Lệnh Công nương lại
đồng tình với những hành động ấy?