Nói khác đi, tức là anh muốn chỉ ra những vị giáo sĩ chỉ là cái hình thức giả
trá và những kẻ tôn sùng họ đều là bọn mù quáng điên rồ.
Franxitxcô đứng bật dậy, bàn tay nắm chặt, nhưng anh phải cố nén để
bình tĩnh lại.
– Tôi không cho phép ông diễn giải sai ý nghĩa tranh vẽ của tôi. Những
con người ấy không tôn thờ và quì lạy trước hình tượng ông giáo sĩ đâu. Họ
quì lạy trước một thằng bù nhìn.
– Thì một thằng bù nhìn mang lễ phục một giáo sĩ! Vậy mà anh dám nói
anh không nhạo báng Nhà thờ.
– Trái lại, chính là tôi tìm cách nâng cao uy tín của Nhà thờ mà tôi yêu
mến và tôn kính. Ngày sống ở Rôma, tôi đã biết rõ nó, đã thấy nó cứu trợ,
an ủi, và nâng đỡ những người nghèo khổ, những kẻ bị đè nén. Nhưng tôi
xin nói ngay rằng đó không phải là ở Tây Ban Nha. Ở đất nước này đây,
dân chúng rên siết và quằn quại kêu gào vì những đau đớn bất hạnh của họ,
song Nhà thờ thì không nghe thấy gì hết.
– Thật thế không? Và tại sao như vậy?
– Chính là vì ảnh hưởng đen tối và quái đản của Giáo hội. - Goya nói rẽ
rọt, biết rằng nói thế là ký nhận vào bản án tử hình của mình, nhưng anh uất
ức đến không còn kìm mình được nữa - Biết bao nhiêu con người tài năng
của đất nước, những con người đức độ, đầy lòng hi sinh bị ép chặt và mòn
mỏi trong sự kìm kẹp của pháp chế và giáo luật. Những nỗi kinh hoàng đã
xâm chiếm họ như một thứ tật bệnh, nếu họ vùng vẫy để thoát khỏi cái
bóng tối của thời Trung cổ ấy thì Tòa án, như kiểu Tòa Pháp đình đây, sẽ có
cách làm cho họ phải câm lặng vĩnh viễn?
Ba cái đầu trùm kín trong những “cagun” đen chụm sát vào nhau. Người
ta thoảng nghe những tiếng trao đổi thầm thì. Rồi vị thẩm phán ngồi phía
bên phải tuyên bố:
– Cuộc thẩm vấn tiếp tục.
– Tôi xin Tòa Pháp đình lưu ý đến hai bức vẽ khác nữa, chúng là những
bằng chứng mạnh mẽ nhất để kết tội tên họa sĩ tà đạo đang đứng trước Tòa