đây: Gôya, có phải anh đã vẽ cả cái hội đoàn những mụ phù thủy này
không? Bức tranh thể hiện một thứ lễ rao giảng ma quỉ do một con bò rừng
đầu đội một vòng nguyệt quế chủ tọa?
Franxitxcô hầu như đã quên mất cái tranh vẽ ấy, bức tranh mà Hầu tước
Đôduna đã mua của anh từ mấy năm trước. Anh không nín được cười.
– Lời bình giải của ông Công tố hay thật! Tôi muốn tránh cho ông khỏi
phải mất công đặt cho tôi nhiều câu hỏi khác về bức họa này. Tranh vẽ này
đả kích thói mê tín dị đoan của những nông dân lạc hậu nước ta. Chính vì
ông biết rõ đời hoạt động của tôi, nên chắc ông không thể quên rằng một
Hồng y giáo chủ Itali đã từng viết cho tôi một bức thư dài, tỏ ý tán thành và
ca ngợi bức vẽ này.
Lão Công tố không nói gì, sắc mặt nhợt nhạt của ông ta như càng tái đi
thêm, ông ta quay nhìn về phía cuối phòng và khoát tay ra hiệu. Hai người
tiến lên, một người vác cái giá vẽ, người kia mang một bức họa cỡ lớn phủ
một tấm vải đen. Những người dự phiên Tòa đều chen lên phía trước để
nhìn. Franxitxcô nhận ra đứng ở hàng đầu, một bóng người quen thuộc:
Đông Manuen đê Gôđoa cũng có mặt trong phiên Tòa. Gôya tự hỏi không
hiểu ông ta đến đây để làm gì? Ông Thủ tướng là một người hết sức bận
rộn, dĩ nhiên không phải đến để tham dự phiên xử án chỉ đơn giản vì tò mò.
Nhưng anh không có thì giờ suy nghĩ về chuyện ấy vì lão Công tố Viện
trưởng đã nói:
– Gôya, dưới tấm vải che này, có chân dung một người mà anh đã vẽ.
Bức họa này đã bị lên án là một họa phẩm đồi trụy mang tính chất tà dâm
dơ bẩn. Đây là một hành động chống đối lại Thượng Đế, chống lại con
người.
– Tôi không bao giờ vẽ bức tranh nào mang ý nghĩa như thế.
– Anh có nhận là đã vẽ một người đàn bà khỏa thân?
– Dĩ nhiên. Có người họa sĩ nào lại không từng vẽ những người khỏa
thân? Tôi đã vẽ đến cả hàng chục tranh khỏa thân ấy chứ!