bình đẳng với nhau. Tôi không phải là người đầu tiên suy nghĩ như vậy,
thưa các vị thẩm phán. Các vị là những bậc thầy trong lĩnh vực thần học,
hẳn các vị phải nhớ những lời của Hồng y Giáo chủ Benlacmanh
. Vị
Giáo chủ rất thánh này đã nói, cách đây từ hơn hai trăm năm, rằng tất cả
mọi người sinh ra đều phải được sống bình đẳng, ông cũng đã nói quyền
bính cai quản xã hội là do Thượng Đế ban phát, nhưng lại phải được thực
hiện với sự chấp thuận đông đảo của người đời. Ông cũng đã đi đến mức
xác nhận rằng dân chúng, khi mà họ có những lý do chính đáng, họ có thể
thay đổi cả chính thể bộ máy nhà nước theo ý muốn của họ.
Những tiếng trầm trồ ngạc nhiên thốt ra một cách lạ lùng thán phục.
Nhiều tiếng ồn ào nổi lên trong đám đông. Một trong những vị quan tòa
dùng cái búa nhỏ bằng ngà đập xuống bàn để yêu cầu trật tự và yên lặng.
Nhưng tiếng xôn xao ầm ĩ vẫn không dứt. Ông ta phải nói thật to để mọi
người nghe rõ:
– Xêno Gôya, tiếc cho ông đã chọn đi lầm đường, không đúng với thiên
bẩm của ông. Đáng lẽ ông phải làm nghề trạng sư. Tôi thật ngạc nhiên vì
thấy tại sao ông không công khai ủng hộ Bônapactơ!
– Nếu Hoàng đế Napôlêông mà thực sự mang đến cho ta tự do và bình
đẳng thì tôi ủng hộ ông ấy.
Phải dùng đến lực lượng lính cận vệ mới duy trì được trật tự và giữ cho
công chúng khỏi náo động. Franxitxcô quay đầu nhìn lại, anh thấy Đông
Manuen đê Gôđoa ngồi ở hàng thứ nhất đang viết trên một tờ giấy xé trong
một quyển sổ nhỏ. Ông ta gọi một tên lính cận vệ, đưa tờ giấy và ra lệnh
chuyển lên cho các vị quan tòa.
Người cao tuổi nhất trong các vị thẩm phán đọc đi đọc lại, xong chuyển
cho hai người kia cùng đọc kỹ nội dung viết trong tờ giấy nhỏ. Ba cái đầu
chụm vào nhau thầm thì hội ý, trong khi ấy, lão Công tố Viện trưởng nhìn
họ một cách kinh dị.
Khi vị chánh án cao tuổi nhất cất tiếng nói thì gian phòng xử án đã trở lại
yên tĩnh.