– Cứ phải làm thử.
– Các anh định, với những khẩu súng lục cũ và những con dao “navajas”
cổ lỗ, lao vào chống một đội quân có lực lượng bộ binh hùng mạnh nhất và
lực lượng pháo binh ghê gớm nhất Châu Âu?
– Pacô, đã từ bao năm nay, tôi được nghe nói đến nhân quyền. Tôi hằng
muốn tất cả những người Tây Ban Nha đều bình đẳng. Dưới triều đại cũ
chúng ta không có tự do. Giờ đây chúng ta lại thêm hai lần trói buộc. Cứ
cho rằng hiện nay có hai trăm năm mươi ngàn binh sĩ Pháp chiếm đóng trên
đất nước ta, nhưng chúng ta, chúng ta đây lại là hàng triệu người, chúng ta
sẽ biết cách chiến đấu. Chúng ta sẽ đánh nó ở khắp nơi. Phá hoại tiếp tế của
nó, đánh vào hậu phương của nó. Từ trên cửa sổ các tầng gác bắn vào lực
lượng tuần tra của nó. Và, chúng tôi sẽ không từ bỏ cuộc chiến đấu này
trước khi chưa đuổi sạch đến tên lính cuối cùng mang quân phục Pháp ra
khỏi đất nước Tây Ban Nha. Chúng tôi sẽ giành được tự do, chỉ chúng tôi
và bằng chính những bàn tay của mình. Sau đó, liệu hồn cho những kẻ nào
muốn tước đoạt nó của chúng tôi.
Đúng thực là một bài diễn văn hùng hồn và cảm động, đầy chân tình và
lòng dũng cảm. Song, Franxitxcô vẫn không dứt bỏ được những quan điểm
cũ của mình, những ý tưởng chân thật và ấu trĩ mà anh đã bênh vực trong
bao năm nay.
– Ta phải để cho Napôlêông có thì giờ để thực hiện những lời hứa hẹn
của ông ta. Chúng ta cũng chưa thể biết rõ ông ta có đối xử với ta như một
đất nước bị chinh phục không?
– A, lại không à? Khi một thằng trộm cạy cửa vào nhà anh, xin anh đừng
chờ xem nó sẽ cuỗm của anh cái gì để mang đi. Anh phải đánh chết nó
trước khi nó cướp đoạt tài sản của anh. Pacô, tôi không nói chào vĩnh biệt
mà chỉ xin chào tạm biệt. Tôi biết rồi anh sẽ mở mắt ra và sẽ đi theo chúng
tôi. Mặc cho ai nói thế nào thì nói, riêng tôi, tôi hiểu anh và vẫn còn tin
anh.
*