Anh hiểu rằng sự dốt nát của quần chúng là một vũ khí trong tay bọn
thống trị quý tộc, giúp chúng duy trì đất nước trong vòng nô lệ. Anh tự hứa
khi tới Mađrit sẽ bắt đầu học hành nghiêm túc. Một ngày kia, anh sẽ vẽ
những bức tranh xuyên thủng màn sương mù dày đặc của sự mê tín, nhờ đó
người dân Tây Ban Nha sẽ thức tỉnh. Anh không có hy vọng đánh đổ chế
độ phong kiến, nhưng anh tự hứa sẽ không hoài phí tài năng. Anh đã hiểu
sứ mệnh mà mình phải hoàn thành.
Khi Gôya đến Guađalagiara, một thành phố công sự cổ, thì trời đã sang
thu. Đến đây, anh may mắn tìm được việc làm khá tiền. Quán rượu “Lông
cừu vàng”, một trong những quán ăn sang trọng nhất vùng đã nhận anh làm
bồi dọn chuồng ngựa. Anh nhẩm tính làm trong một tháng, anh sẽ kiếm đủ
tiền tiếp tục cuộc hành trình bằng xe ngựa, có thể còn thừa tiền để sắm một
bộ quần áo tươm tất.
Một trong những khách sang thường đến quán rượu “Lông cừu vàng” là
Công tước Anbơ, mà phẩm trật và uy quyền ông ta chỉ kém Hoàng tộc và
hàng giáo sĩ cao cấp. Công tước là một người già, đôi mắt đỏ ngầu, khuôn
mặt dài và buồn càng như dài thêm bởi chòm râu bạc nhọn hoắt. Franxitxcô
chưa từng gặp một nhân vật thế lực như vậy bao giờ. Anh thấy ông ta có
dáng giống một con dê cái.
Nếu bề ngoài Công tước trông có vẻ khả ố, thì phong cách sống của ông
ta cũng chẳng làm ngạc nhiên chàng trẻ tuổi vốn thường nhìn cuộc đời một
cách ngạo mạn. Những người hầu và đánh xe của Công tước công nhiên
bàn tán về chủ họ. Gôya cho rằng họ không hề phóng đại, khi nói chắc chắn
là ngài Công tước tôn quý không quan tâm chút nào đến công việc nước
nhà, không để mắt đến việc quản lý điền trang hoa lợi, mà hoàn toàn chỉ để
thì giờ vào công việc duy nhất là săn đuổi những cô gái trẻ chỉ bằng tuổi
cháu gái ông ta mà thôi.
Song, không phải những thú vui xác thịt của Công tước Anbơ là không ai
cưỡng lại được. Franxitxcô đã được chứng kiến điều ấy vào một buổi sáng.
Hôm ấy, tiết trời đẹp, mặc dầu đã sắp sang đông và có gió bắc.
Franxitxcô, sau khi chăm sóc đàn ngựa trong tàu, cũng ướt đẫm mồ hôi...