Sau khoảng hơn chục lần đến chơi nhà Bayơ, Franxitxcô Gôya hiểu rằng
anh bị thu hút đến đấy, trước hết chỉ vì cô em gái của ông ta, nàng
Giôdépfa, làm công việc tề gia nội trợ cho ông anh.
Vóc người dong dỏng cao, mảnh dẻ, tóc chải cẩn thận, thân hình có
những đường nét rất thanh tú, nàng có thái độ kín đáo dè dặt mà không ngờ
nghệch, quán xuyến công việc gia đình một cách chu đáo và thoải mái.
Những bộ áo lụa của nàng cắt may rất khéo nhưng không hề khoa
trương. Nàng tiếp đón ân cần bạn bè anh, rất ít tham gia vào những cuộc
đàm luận của họ, nhưng khi đã có ý kiến thì ý kiến đó bao giờ cũng xác
đáng.
Từ trước tới giờ Franxitxcô chỉ tiếp xúc với bọn gái tầm thường, bỗng
nhận thấy ở nàng hàng ngàn đức tính tốt đẹp. Anh kể lại với Dapatơ lòng
ngưỡng mộ của mình và nói thêm rằng chẳng bao giờ anh có thể nghĩ là
một cô gái xuất thân từ tầng lớp thấp hèn có thể có tư thế đường bệ chững
chạc như một bà mệnh phụ tôn quý như thế.
Bạn anh không tán thành những lời tán dương sốt sắng ấy, nhưng không
nói gì. Dapatơ, không đến nỗi ngây thơ như Gôya, biết rằng Giôdépfa Bayơ
chỉ là một cô gái tư sản cố bắt chước kiểu cách thanh lịch, được sự thành
đạt của anh trai tô điểm cho như một cô gái được nuông chiều, thực chất cô
ta chỉ là một ả có tâm hồn thấp kém đầy những tính toán thực dụng.
Dapatơ nhận thấy nàng cũng bị Gôya hấp dẫn. Phần đông những nghệ sĩ
lui tới xưởng vẽ của Bayơ đều đã già, nên tuổi trẻ và tâm hồn sôi nổi của
Gôya đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với nàng, là chuyện rất thường tình.
Tuy vậy, Dapatơ vẫn hy vọng Giôdépfa và Franxitxcô sẽ kịp tự nhận ra
rằng họ sinh ra không phải để kết hợp với nhau. Anh quên một cách giản
đơn không tính đến bản chất nôn nóng dễ kích thích rung động của bạn và
sự trong trắng ngây thơ của người thiếu nữ.
Một buổi tối, Franxitxcô cùng với Bayơ và Giôdépfa đi xem vũ kịch, và
trở về dùng bữa tối với họ. Trong bữa cơm thân mật ấy có cả một nhà văn,
chủ bút tờ báo do Đông Manuen đê Gôđoa bảo trợ. Câu chuyện trao đổi