5. Tự do trong bước lưu đày – Tiếp tục cuộc hành trình để tự
khám phá – Cái sào ném xuống nước cho một người chết đuối -
“Nước Tây Ban Nha cần có những người con như Franxitxcô”.
Thời ấy, Pari và Luân Đôn vươn lên như những trung tâm Trí tuệ của thế
giới phương Tây. Song, mọi con đường tìm tòi sáng tạo đều vẫn còn dẫn tới
Rôma.
Những nghệ sĩ, nhà văn, nhạc sĩ và nhà thơ toàn Châu Âu kéo đến tìm
nguồn học thuật, và cảm hứng bên bờ sông Tibrơ. Franxitxcô Gôya nhanh
chóng nhập vào đội ngũ nghệ sĩ nước ngoài ấy. Anh thuê một căn nhà nhỏ
chung sống với Giuanitô. Anh hiểu rằng, muốn đạt tới nghệ thuật thì phải
làm việc hết sức chuyên cần. Anh tổ chức cuộc sống điều độ và để hết tâm
lực vào việc nghiên cứu học tập. Anh không cho phép mình sống buông
thả, phù phiếm, hoài phí thời gian vào ăn chơi chè chén, đấu kiếm, gái chơi
và những canh bạc như trước. Anh chỉ rời giá vẽ để đi nghe bài giảng của
các họa sĩ danh tiếng Pômpêô Battôni và Rafaen Meng; cả hai ông này (anh
rất tự hào khi biết chuyện) đều có nhắc đến tên tuổi anh.
Thỉnh thoảng anh lại đi du lịch, thăm những vương quốc Italia khác để
trau dồi kiến thức và kỹ thuật trong cái mà người ta gọi là trào lưu học thuật
của nền Phục hưng thứ hai. Anh đoạt được một giải thưởng hội họa trong
cuộc thi tại thành phố Pacmơ và đã lưu lại ở vương quốc Naplơ, đến mức
có ý định sẽ rời bỏ Rôma để về ở hẳn dưới chân núi Vêduvơ. Ở đấy có
những họa sĩ thuộc trường phái tả thực như Gatxparơ Travecsi và Giuseppơ
Bônitô
, tác giả những bức tranh chân dung rất đặc sắc. Mặc dầu, không
có một họa sĩ nào sống trên đất Italia mà không chịu ảnh hưởng của các họa
sĩ bậc thầy thời cũ, riêng Franxitxcô vẫn không tán thành một vài người
trong số bạn bè anh, như họa sĩ Tây Ban Nha, Rôvirô đê Brôcanden
hoặc như nhà điêu khắc Guttiêrêz. Họ hạn chế mình ở mức sao chép một
cách nô lệ phong cách và bút pháp của Vinxi, Rafaen và Xenlini