Tuy nhiên, con người có bản chất nổi loạn ấy không khỏi rung động
trước sự truyền cảm mãnh liệt từ các tác phẩm của Misenlănggiơ
Franxitxcô đã đứng hàng giờ trong giáo đường Vatican để nghiên cứu
những bích họa của Vọng Cung Sixtin mà nghệ sĩ thiên tài đã để năm năm
trời liên tục mới hoàn thành tác phẩm bất tử ấy. Anh cảm thấy mắc nợ nghệ
sĩ lớn của tất cả các thời đại ấy. Anh xúc động rất sâu sắc trước tác phẩm
của Côregiơ
bởi cảm thụ mang sắc thái dục tình và cách thể hiện với bút
pháp sáng tối, và có ý định học tập phong cách, bút pháp bậc thầy này.
Anh bắt đầu tự kìm chế, từng bước chậm chạp, chắc chắn kiếm đủ tiền
để sống thoải mái. Sau nhiều tháng cần cù lao động, anh tự nhận thấy đã
chín chắn hơn trong cuộc sống nghệ thuật cũng như trong đời sống xã hội.
Anh cho rằng đó là ảnh hưởng không khí sinh hoạt ở nước Italia. Sau hơn
một năm, cùng với Giuanitô đến cư trú tại đây, anh không khỏi sửng sốt
trước những biến chuyển xã hội của đất nước này. Những nghệ sĩ và nhà
văn ở đây hoạt động một cách độc lập, tự chủ. Trong khi sống hòa nhập với
các tầng lớp dân chúng ở Rôma, ở Naplơ hay ở Pacmơ, anh phát hiện thấy
ở họ có nhiều đức tính mà, khốn khổ thay, người Tây Ban Nha không có.
Người dân Italia đã từng biết nhiều chủ nhân ông chiếm cứ trên đất nước
họ, đặc biệt là người Pháp và người Áo. Họ đã kiên trì đấu tranh cho nền
độc lập. Những người đàn ông và đàn bà, trong mọi hoàn cảnh, ở mọi điều
kiện xã hội đều thấy họ tự do, họ công khai bàn luận, không sợ hãi một thế
lực nào, và dám công khai phê phán cả nhà chức trách, các cấp chính quyền
khi thấy một đạo luật hay một nghị định nào đó không công minh.
Điều làm cho Franxitxcô ngạc nhiên nhất là thái độ của Nhà thờ. Anh đã
vẽ chân dung cho một giáo chủ áo đỏ, hai vị Tổng giám mục và hai Giám
mục. Anh hiểu họ khá tường tận để có thể cùng họ nói chuyện về nhiều vấn
đề xã hội khác nhau. Anh thấy tất cả bọn họ, không trừ một ai, đều có học
vấn, có kiến văn rộng rãi, sáng suốt và có ý thức về chức năng của Nhà thờ,
theo khuynh hướng phải đi trước thời đại, tiến lên trước trào lưu dang lướt
qua thế kỷ XVIII, chuyển sang thế kỷ XIX.