có trật tự cho được việc. Khi tôi nói ý định đó với Tuyết, nó đã kêu lên :
- Trời ơi ! Con nầy điên à ? Vi, ở lại, mầy .
Câu nói của Tuyết hơi lớn đã lôi kéo sự chú ý của một số đông bạn bè đứng
quanh đó. Chúng xúm lại mỗi đứa nói một câu hoặc chỉ trích hoặc khuyến
khích tôi nên ở lại. Tuyết cũng phụ họa :
- Coi như bây giờ mới là bắt đầu. Mầy mà về bây giờ thì quê tao lắm.
Tôi hơi bực mình nên cãi :
- Tao về nếu không « quê » tao thì thôi sao lại quê mầy ?
Tuyết gật đầu :
- Thật mà. Tại tao giới thiệu mầy chì nhất lớp mình. Như vậy là mầy đủ
hiểu.
Tôi gắt :
- Ai biểu mầy giới thiệu ẩu. Tao có chì hồi nào đâu.
Tuy nói vậy, nhưng tôi thừa hiểu tại sao Tuyết lại giới thiệu như vậy. Bạn
bè tôi chỉ dựa trên ba mẹ để đánh giá đứa con. Sở dĩ chúng nó đưa tôi ra
cũng vì thế. Nếu ba mẹ tôi không làm chức nầy chức kia thì chưa chắc gì
tụi nó đã thèm mời tôi nữa, nói chi đến việc giới thiệu nầy nọ. Tôi thấy
chua chát cho chính mình. Tuy vậy, hôm đó tôi bắt buộc phải ở lại.
Sau buổi đó, tôi tự hứa với mình là không bao giờ vác mặt tới những cuộc
hội họp choai choai như thế nữa. Tôi không chịu đựng được sự kiện những
gã con trai tóc tai bù xù như con gái, ăn bận thật lố lăng, ôm những đứa con
gái cũng tương tự trong tay uốn éo lắc lư theo điệu nhạc.
Đôi lúc tôi nghĩ bạn bè chê tôi « quê » cũng có lý. Có lẽ tại mấy năm tuổi
thành niên lớn lên âm thầm trong khung trời nội trú, sống giữa các sœur
lạnh lùng suốt ngày chỉ có sách vở nên tôi cằn cỗi trong cách thế đối xử và
ngay cả quan niệm sống nữa. Khi có cuộc bàn cãi về « mode » của giới trẻ
thì tôi bao giờ cũng thuộc thiểu số bởi vì bạn bè tôi chúng nó đều rất « à la
mode ».
Tôi công nhận rằng mình không nên sống cổ hũ quá, theo thời trang một tí,
nhưng vừa phải thôi. Sự xa cách với bạn bè càng thôi thúc tôi hơn trong ý
hướng tìm cho chính mình một lối thoát cho cuộc sống gò bó hiện tại.
Trong một sự tình cờ, tôi quen chú Ngọc.