Anh con lớn năm nay đã băm ba, con thứ hăm ba. Con cả tên Khai,
con thứ tên Tuất. Tuất mới xong cấp ba được vài năm. Trượt thi đại học,
ông Hợi gửi đi làm công nhân, được nửa tháng Tuất bỏ về, nói không chịu
được khổ, không chịu được người ta sai. Về làm ruộng với bố mẹ, vất vả tí
chút nhưng tự do, lúc mát làm lúc nắng nghỉ, tối cùng thanh niên nam nữ
trong làng tụ tập. Đình làng, gốc đa, cống bê tông cuối xóm, đêm nào cũng
nô nức tiếng cười.
Cả Khai và Tuất đều được gọi là Cuội. Cuội anh cuội em. Cha truyền
cho con. Có người nói thế thì nhà ông ấy toàn cuội cả. Cuội thì tốt hay xấu,
tùy người. Nhưng chắc chắn rằng, trong làng không ai có ý châm chọc, xỏ
xiên cả. Chỉ hơi giận là Cuội anh không chịu làm gương, lấy vợ trước sửa
lối cho Cuội em. Chuyện này có thể bị trêu ghẹo thật. Cuội anh chẳng thèm
để ý. Những thằng nói vớ vẩn vậy đều là những thằng chíp hôi, không
đáng, một đá thì thiếu hai đá thì thừa. Nhưng Cuội em thì đỏ mặt, hiểu
những gì đang diễn ra. Giá mà Cuội anh cứ cưới luôn một đứa con gái nào
đấy.
Nhà tôi cách nhà cuội bằng năm phút đi bộ của chú trâu mắn đẻ. Tôi
vừa xong cấp III, chẳng có đứa nào cùng chí hướng, buồn không có bạn.
Tôi cũng chẳng thèm thi đại học. Mẹ bảo: Học làm gì, ở nhà làm cho mẹ
vài năm nữa, lấy một tấm chồng, đẻ lũ con, chả phải lo lắng gì. Tôi hứ một
tiếng, mẹ chẳng tân tiến gì, lúc nào cũng nói đến chuyện đẻ đái, vợ chồng.
Con chả lấy chồng. Mẹ lườm tôi, rồi kéo con gái vào lòng, dịu dàng: “Mày
đừng học anh em nhà Cuội”.
Cuội anh hay trêu tôi, đưa lời vờn vỡ. Có lúc nghe khó chịu, về nhà tôi
nghĩ lại. Thấy Cuội anh cũng hài hước, trí tụê ra trò. Không giận nữa,
nhưng trước mặt Cuội anh không thể tỏ ra yếu thế. Một lần trên đồng, tôi
lom khom cấy, Cuội anh gánh phân cho mẹ già. Mồm Cuội anh hát:
“Cô Sao đi cấy đồng sâu/ Suốt ngày cô chổng phiêu câu lên trời”.