Con đường từ nhà đến nhà thờ không lấy gì là xa, cũng được lát gạch
nghiêng rất sạch sẽ. Con đường mà trước kia, chỉ được trải ra những tầng
xỉ, đá thô đập nhỏ, không đảm bảo vệ sinh vào những ngày mưa dầm.
Từ nhỏ, Ngảo đã được tắm đẫm trong bầu không khí của đạo Chúa,
những lời kinh cầu trong nhà thờ, rất nhiều bài thánh ca và cả những bài
Phúc âm nữa. Cũng như ông bà nội, cô vô vàn yêu Chúa và tin tưởng ở
Người. Công lao của ông bà nội tạo dựng cho một tâm hồn trinh bạch là rất
lớn. Khi bập bẹ biết nói, ngoài những tiếng bà ơi, mẹ ơi, ông ơi, bà nội còn
dạy cho cô nói theo lời Chúa.
“A vê Maria, con dâng lời chào Mẹ. A vê Maria, con dâng lời chào
Mẹ. Khi tan màu nắng chiều, và khi con nâng hồn lên. Con xin dâng lời ca
chào a vê Maria...”. Ngảo ngồi dưới tán cây nhãn cổ thụ, một cây nhãn lớn
không nhớ được trồng năm nào. Ông nội nói nó đã được trồng từ thời ông
cụ, và tận tâm dâng hiến đời nó. Bóng râm, những mùa quả, và hơn hết là
cả hình bóng của một cổ thụ trong suốt tuổi thơ của mấy chị em. Sự hiện
diện của nó giúp cho tuổi thơ của cô có thêm nhiều hình ảnh đẹp đẽ, cô còn
coi nó là một kho tàng. Một kho tàng biết chia sẻ.
Mê mải hát và ngước mắt lên, Đức Mẹ Maria an ủi cho Ngảo. Một
tâm hồn gần như trầm cảm. Có những lúc, khi Ngảo cất lên lời hát thì mọi
ưu phiền biến mất, cảm tưởng Ngảo cũng không còn tồn tại ở thế gian này.
Cô lẫn vào gió và vui chơi với quyền năng của gió. Cô lẫn vào đám mây.
Càng ngày cô càng muốn hát thánh ca, hơn hết là những bài về Đức Mẹ, cô
cảm thấy mình được ủi an khi ở gần Người.
Đầu óc cô lúc này đang nghĩ đến chỗ mùa thu, bí mật và hình ảnh của
mẹ con bà Măng, và miệng cô thì hát. Ngảo định cất bài Cao cung lên thì
con San đến. Nó là đứa bạn thân của cô, ở làng bên, một ngôi làng không
theo đạo Thiên Chúa. Theo cô, San cũng ở diện “không thể đi” của cái
vùng nông thôn này. Bè bạn cô chúng nó đều thi vào đại học, đứa qua đứa