tiên. Là một phần văn hóa. Lũ trẻ chưa được phép nên im răm rắp và ngọ
ngoạy ngứa ngáy chân tay. Ngán vốn đã bị coi thường là thằng con lêu lổng
không nghe lời từ bé, giờ thêm tội gạ gẫm này nọ. Người ta không thích nói
chuyện với người họ không tôn trọng. Điều này gây cay cú trong nó. Thằng
Ngán ngấm ngầm trả thù.
Ngán thất vọng ôm tiền, tranh thủ chạy về nhà nhấc chiếc bình, chỉ hỏi
cha có đỡ không rồi lao lên xe ra phố. Ba ngày sau cha mất. Thượng đế đã
cho cha kết thúc đời người. Từ dấu chấm cảm trong hai ngoặc đơn đến một
cơ thể bất động rồi đến cái chết. Một cái xác khô xếp gọn ghẽ vào tấm áo
quan, bình dị như đời người. Mỗi giai đoạn của cha là một cách hành hình
của Thượng đế theo chiều tăng dần ở dưới nhân gian. Tôi gọi Ngán về chịu
tang. Ngán gào khóc như bị chọc tiết, như sắp chết đến nơi, còn ngất lên
ngất xuống. Một vài lời xì xào “có hiếu đấy chứ” tặng cho Ngán. Hiểu em
mình, nên tim tôi như bị xát muối. Sau ba ngày đưa cha về nơi an nghỉ,
thằng Ngán càu cạu với tôi mấy lời rồi đi.
***
Thời gian cho tôi làm vợ Bưởng. Thời gian cho Xường dựng vợ có
con. Thời gian cho những đứa trẻ lớn lên.
Vẫn là cô gái xấu xí đó làm vợ Xường. Cô gái ngày càng thể hiện sự
vô duyên của mình. Đó là cái cười. Khuôn miệng của cô vốn đã không đẹp,
lại hay cười quá cỡ. Xường cưới cô và cứ lui lủi sống trong đau khổ, trong
sự khó hiểu của cha mẹ anh. Anh “tra tấn” tôi bằng những việc làm dường
như quái gở, đó là phũ phàng với nghề giáo, với con đường mà anh đã
chọn, với chính tâm huyết và lương tâm nghề nghiệp của anh, bằng cách là
tỏ ra hững hờ với học sinh, rồi khuyến khích chúng bỏ học. Một sự phá
bĩnh quá đáng. Anh đang muốn quấy rối sự bình yên của ngôi trường mình
đang giảng dạy. Con tàu đi chệch quỹ đạo, con tàu lao ra đường biên.
Xường bị kỷ luật. Xường lấy cớ đó để bỏ nghề. Xường tỏ ra bất cần.