Tôi hỏi ông có bút danh Quyền Tào. Chén rượu bắt người ta thật thà
hơn, gần nhau hơn.
- Tôi à? Ông Vợi rõ hơn cả. Văn chương của tôi rặt một mớ bất bình.
Chỗ nào cũng thấy bất bình. Dường như tôi cứ động đến văn là động đến
chuyện bất bình. Hóa ra tôi chẳng viết được một dòng nào về con người
yên ổn cả. Tính tôi như ông Vợi, không chịu được gò bó, không chịu được
sự đấu đá trong môi trường sư phạm liền bỏ ra ngoài. Ôi, cái thói đời.
Người ta lu loa đạo đức, để rồi chính bàn tay họ lại xóa nhòa cái chữ đạo
đức trên mặt họ đi chỉ vì lợi lộc, vì cái bụng. Con người hiện đại hâm mộ
cái gì thế! Có lẽ quyền lực và nhục dục, đến chết vẫn còn cái dư âm. Tôi
may mắn ẵm được cái giải thưởng, được báo X. mời về. Lúc này vẫn cay
cú cái “sư phạm”.
Tôi vỗ vào vai ông bạn hơn tuổi:
- Các ông xử sự như thế là hợp ý tôi. Văn chương cho chúng ta phóng
khoáng. Ngày nay được thoải mái chút ít.
Nhấp một ngụm, Vợi hất hàm hỏi người bạn trẻ nhất, bút danh Du
Viễn về ý định của cậu trong tương lai. Giọng Du Viễn ngà ngà: “Bẩm các
quan bác, em mơ tưởng đến cái giải thưởng như bác Quyền Tào. Em đang
săn. Phải có một cái mới phất lên được, cứ làng nhàng khó sống lắm”. Tôi
nghi ngờ rằng giải thưởng liệu có phải là thước đo về tài năng. Đa phần ý
của anh em nói giải thưởng không thể đem ra là thước đo tài năng, nhưng là
nguồn động viên khích lệ, và từ đó người viết mới được chú ý. Trực cười:
- Phải đấy, chú Du Viễn nói đúng. Chú cứ việc mơ đến cái đích của
chú. Văn là cả đời người.
Trời khuya, đồ nhắm hết rượu hết. Vợi bảo anh em ngồi đợi hắn đi
kiếm. Phải uống cho đã, uống dở mồm tức như bò đá. Vợi đứng lên một
cách loạng choạng, sau để Trực đi vì hắn tỉnh táo nhất. Hắn nhảy lên cái xe