Câu nói của ông bố làm Nguyệt đau điếng. Câu nói vô tình mở cho
Nguyệt một lối thoát, vạch ra con đường: làm điếm. Khi đã đớn đau chồng
chất, người ta dễ làm liều. Nguyệt nhen nhóm ý nghĩ dại dột ấy, chẳng còn
cách nào khác. Cái giá cho những đồng tiền là nhục nhã nhơ nhớp đời con
gái. Ôi đời con gái thê lương chảy dài! Tự lúc nào, cô gái đã đặt chân vào
công việc mới đầy nhơ bẩn đó như một định mệnh chẳng thể nào khác. Một
khởi thủy để tìm kiếm sự giải thoát. Cô chỉ còn biết nuốt nước mắt, mở mặt
cười đời.
Dừng chuyện ở đấy, Vợi tung ra mấy câu chửi đổng ông bố xấu xa.
Tôi hào hứng nghe và dâng lên niềm ác cảm với ông bố. Một ông bố đã đẩy
chính con ruột của mình vào vòng oan nghiệt. Một sự đày đọa, cướp công
vô nhân tính. Tôi thừa hiểu tư tưởng của Vợi trong đó. Hắn muốn mô
phỏng sự bất bình đẳng trong xã hội. Con người xã hội vẫn dùng quyền lực
đẩy đồng loại vào kiếp sống đê hèn. Tôi không cầm lòng được, Vợi càng
không. Hắn kể tiếp, vẫn cái giọng bi ai, như chính đó là chuyện xảy ra với
hắn. Cô gái điếm bước vào trang sách của Vợi với những cơn hoan lạc, nỗi
đau thể xác và tinh thần. Cô Nguyệt không phải là kẻ có tội, đó là ý tưởng
của Vợi. Kẻ có tội là kẻ đẩy cô vào đó. Cô chỉ là kẻ bị sai khiến bởi sự đồi
bại của nhân cách.
Sau cái đêm tôi, Vợi và những người khác tụ tập nhau uống rượu, nói
về sự mất trong trắng của trăng và sao, tôi thực sự bị ám ảnh. Năm mảnh
đời, năm tâm trạng ngồi với nhau. Trực đã về Hải Phòng làm đấu thầu xây
dựng, cái nghề ấy dễ sống chứ không ngột ngạt như nghề văn. Du Viễn đi
học một cái nghề khác cho đảm bảo cuộc sống. Cộng tác viên tự do khó mà
cạnh tranh được bằng cầm bút. Hắn ấp ủ ước mơ giải thưởng. Hôm rồi gặp,
Du Viễn hùng hồn tuyên bố: “Em hứa với quan bác, chưa đầy ba mươi tuổi,
em sẽ làm được cái gì đó, bác cứ chờ em”.
Tôi và Vợi rủ nhau lên Cao Bằng. Cạnh bến xe có quán cháo lòng bắt
mắt ở cái biển, không khí tấp nập càng làm nặng trĩu cái dáng uể oải của