nhận em đúng không?”. Giọng Vợi đầy hối lỗi: “Anh thực lòng xin lỗi em”.
“Thôi, anh không có lỗi gì cả. Em bắt anh làm vậy là rất khó. Đời em chẳng
có gì đáng phải chú ý cả, thân phận của những con điếm như em là thân
phận rác rưởi. Mà rác rưởi bị thiêu lúc nào đau lúc ấy. Người ta cho chúng
em là người thì chúng em là người, bắt chúng em là vật thì chúng em là
vật”. Nói rồi, cô cố làm cho cuộc nói chuyện đừng chìm vào ê ẩm như vậy,
nó được vực lên bằng khả năng khéo léo đến thánh thiện của Nguyệt. Vợi
chắp vào đó câu chuyện cười khiến cả ba cười đến chảy nước mắt.
Hơn tám giờ tối, Vợi nói có việc cần giải quyết ở gần đây. Sự việc
diễn tiến một chiều khác hẳn. Hắn giao tôi cho Nguyệt “săn sóc”: “Em
chăm anh bạn anh nhé, sáng mai anh đến đón. Đêm nay em phải nghỉ ở
ngoài kia thôi”. Tôi ngớ người: “Ông đi đâu?”. Vợi vỗ vai tôi: “Tôi đi đằng
này, ông cứ ở đây, đừng lúng túng thế. Hỏi em gái chuyện gì thì cứ tự
nhiên”.
Vợi đi rồi, tôi và Nguyệt ra quán để ăn tạm cái gì đó. Nhưng không ăn
tạm được, thức ăn quá ngon và chúng tôi say sưa. Trở về nhà đã hơn chín
giờ. Lúc này, Nguyệt mới hỏi lý do tôi cất công tìm cô. Tôi nói:
- Để biết thêm về cuộc đời của em. Vợi nói em là cô gái đẹp và nhân
hậu nhưng đầy bất hạnh.
Nguyệt nhìn xa xăm, nét buồn cố hữu lẩn quất vây bọc. Cô chi tiết kể
về đời mình cho tôi, dù đã nghe qua Vợi, nhưng từ miệng cô câu chuyện trở
nên chua xót hơn. Ngoài kia, mảnh trăng nhỏ nhoi chứng kiến câu chuyện
này. Khuôn mặt chúng tôi cũng ướt rượt trăng. Tôi muốn trào nước mắt,
một tình thương dâng lên vô vàn. Nguyệt chỉ có một mơ ước là qua Vợi, cô
được phơi bày hết những tủi nhục của đời mình ra, và cô đã thất vọng. Văn
chương không chấp nhận con người thật của cô ta, như vậy, hóa ra văn
chương tuyên truyền. Nhưng tôi nghĩ, viết sự thực mà thành nghệ thuật thì
hoàn toàn đáng hưởng ứng hơn loại văn chương tưởng tượng đầy tuyên