tế dân làng cần phải diễn lại trò đào ngạch, khoét tường, Thần hoàng là một
người hoang dâm, thì mỗi khi gái làng qua đình, cần phải tốc váy lên. Thần
là một người còn sống, thì tấn tuồng cúng tế chỉ là một sự mỉa mai lòng tín
ngưỡng của người đời.
Các thực tế cay chua kia thực đủ khiến cho ta phải phế bỏ các ông thần
làng, nghĩa là phế bỏ cái đình, nơi trú sở của các người. Là vì đình mà mất
ông thần, thì không còn tính cách một cái đình nữa. Ta sẽ không được mục
kích cái cảnh đáng cười mà cũng đáng thương diễn ra mỗi năm hai lần ở
đình làng. Các cụ sẽ không áo thụng xanh lòa xòa lê thê, kẻ bưng nến, người
cầm bồng, nối nhau đi riễu trước bàn thờ khói hương nghi ngút. Các dân
cũng sẽ khỏi phải, vong gia thất thổ để chạy tiền đóng gạo góp. Thủ lợn,
phao câu sẽ không còn phơi ra trước mặt bọn kỳ hào ; những cuộc tranh
dành ngôi thứ với những cuộc ẩu đả vì hơi men, vì sự ganh tị, sẽ không còn
nữa. Nhưng nếu còn đình, thì những điều tệ nhũng kia vẫn còn. Đình, sợi
dây liên lạc người cùng làng, chỉ là một cái dây thừng trói buộc họ lại. Hơn
nữa, cái dây ấy lại là một khí giới làm gián đoạn dân một nước. Vì nó mà
người làng coi người làng láng giềng là một thế giới khác, không có can hệ
gì tới mình, có khi lại kình địch với nhau nữa. Những việc hai làng lân cận
đánh, giết nhau là những việc ta thường thấy. Đó là tội ác của sự gián đoạn
kia, nghĩa là của cái đình làng.
Như vậy, đình làng không còn có cớ gì để sống sót trong lúc mọi vật
chuyển dời : Nó là một vật đã quá cổ, chỉ đáng để người ta coi trong một
viện bảo tàng để làm tiêu biểu cho một thời đại đã tàn mà thôi. Thời đại này
không phải là thời đại của nó nữa, ta còn đợi gì mà không phá nó đi.
Một nhà tư tưởng Hi-Lạp có nói : « Không nên phá bỏ cái gì mà ta
không chắc lấy cái khác tốt hơn thay vào. Đối với đình làng, câu châm ngôn
ấy không làm cho ta ngần ngừ do dự. Ta phá đình đi, sẽ lập nhà công thự để
bàn việc công. Còn các bậc anh hùng, các tiền nhân đã có công với làng, ta
có đúc tượng, dựng bia để ghi công đức, và hàng năm, ngày giỗ, dân chúng
có thể vui vẻ mở hội để nhớ đến công người đã khuất, và lấy tư tưởng những
người ấy đã noi theo để tưởng lệ nhau ».