Lúc đó, làng Annam sẽ là một làng văn minh, mà các ông thần hoàng
sẽ không có thể gieo hại cho dân quê nữa.
V. TỰ DO VỚI DÂN QUÊ
TÔI ngồi nghĩ lại chuyện ông chánh hội hạt Thái-bình. Tôi tưởng
tượng ra một người trai trẻ có lịch duyệt của một nhà lão thành có nhiệt tâm
của tuổi thanh niên thành thực muốn cải hóa trong làng nên đề xướng lên cái
thuyết bình đẳng trong hương đảng.
Người ta đổ cho ông cái tiếng làm cộng sản. Ông là một tay cựu chính
trị phạm nên rất dễ bị ngờ oan. Nhưng thực ra công cuộc cải cách – ta có thể
nói là cách mệnh – của ông thất bại, là vì ông muốn đem một tâm hồn mới
lại cho người cùng làng, mà cái gì mới đẹp đem về lũy tre xanh cũng bị đè
bẹp dưới những sức phản động vô hình và mãnh liệt đã đóng đô mọc rễ ở
đấy.
Những sức phản động ấy thường núp sẵn những cớ dễ dàng về chính trị
để diệt bỏ những tư tưởng, những hành động lọt ra ngoài khuôn khổ. Lập hội
để trao đổi ý kiến, để kết tình đoàn thể, để bênh vực quyền lợi chung, thế
cũng đủ bị nghi ngờ làm hội kín. Nghèo đói quá không đủ tiền nộp thuế,
phải kéo nhau lên tỉnh bầy tỏ tình trạng, thế cũng đủ bị ngờ là theo chủ nghĩa
cộng sản. Những buổi chiều nhàn rỗi họp mặt ở nhà anh em, hoặc để nghe
giảng sách, hoặc để bàn luận đến những vấn đề có ích chung, không những
là phạm tội hội họp không xin phép mà có khi còn bị lý dịch ghét ghen vu
cho là họp đảng nữa. Thôi thì hễ động mưu công cuộc gì thoát ra ngoài lề lối
tục lệ trong làng, người ta đều coi như những sự quái gở, những tội ác đáng
phạt cả. Thậm chí có người lập hội ăn uống chính thức, nghĩa là không phải
tư văn, tư võ, không phải là hương ẩm, cũng bị kẻ thù gieo cho tiếng làm
chính trị.
Vì vậy bao nhiêu những sáng kiến đều bị dìm dập. Dân quê vẫn hoàn
toàn sống theo thủ tục. Những thanh niên có học mới, hoặc tự ý hoặc thất
nghiệp trở về làng, có muốn đem những điều sở đắc thực hành để cứu vãn