PHƯƠNG DIỆN KINH TẾ
I. SINH KẾ Ở THÔN QUÊ
DÂN quê nghèo khổ đến cực điểm. Bây giờ điều nhận chân ấy đã hiển
nhiên, không ai không biết mà cũng không ai giấu nổi. Nhưng thực ra, tình
trạng khốn nạn như vậy từ lâu lắm. Chỉ khác rằng xưa kia nỗi thống khổ của
dân quê ngấm ngầm, lặng lẽ như sự chết. Họ chỉ biết họ đói, nhưng không
có cơm mà ăn ; rét nhưng không có áo mà mặc. Vợ chồng nhìn nhau, nhìn
con, rồi lẳng lặng nhịn đói nhịn khát, rồi nếu không nhịn được nữa, thì đành
chết, có thế thôi. Thật là giản dị một sự giản dị cay nghiệt, đau đớn.
Trước cảnh đói khát của họ, bà André Viollis, một nhà phóng sự trứ
danh qua thám hiểm Đông dương năm xưa đã hạ tứ những câu bất diệt, đầy
dẫy lòng thương. Đi qua vùng Nghệ Tĩnh, bà được mục kích một cuộc phát
trẩn : bà rùng mình khi trông thấy hàng ngàn con mắt linh động trong hàng
ngàn khuôn mặt hốc hác, nhiễm đầy sự đau khổ, khi nghe thấy tiếng kêu ăn
thảm thiết của chừng ấy con người.
Những cảnh đáng thương ấy đã thành ra một sự thường, một việc
nhàm, vì xẩy ra nhiều lần quá. Dân quê những ngày dễ kiểm ăn cũng đã khó
lòng mà đủ no, nên hễ hơi mất mùa là trở nên hốc hác như thây ma, sống
được ngày nào hay ngày ấy.
Trong đám người cơ cực ấy, cơ cực nhất là hạng người làm thuê, làm
mướn để kiếm miếng ăn, hoặc là không có miếng đất nào làm cơ sở, hoặc là
có một vài sào ruộng tư điền, công điền không đủ nuôi thân. Hạng cùng dân
ấy từ hồi để chỏm đã bắt đầu phải làm những việc nặng nhọc, rồi từ đấy cho
đến lúc tắt nghỉ, họ chỉ được no bụng những ngày mùa hay những ngày hội
mà thôi. Than ôi ! hạng ấy lại là số đông. Theo một bản thống kê của chính
phủ, làm năm 1931, thì số hết thảy các điền chủ lớn nhỏ ở Đông-dương chỉ
có 2.179.500 người, mà toàn thể nhân dân tới những 20.170.000 người. Từ
năm ấy đến nay, số cùng dân chỉ có phần tăng lên ; những nỗi khổ cực đói
rét của họ cũng chỉ có phần tăng lên.