đầu lầm việc ấy, nhưng việc làm không phải chỉ có thế. Muốn cho cuộc sinh
hoạt của dân quê tốt đẹp hơn, cần phải đem hết cả sinh lực của nước để mưu
tính hạnh phúc cho họ, lại cần phải có một chính sách về nông dân rành rẽ,
khúc chiết ; trong mọi các vấn đề, vấn đề nâng cao trình độ sinh-hoạt dân
quê phải đặt lên trên nhất.
II. NỖI LO HÀNG NĂM
TÔI nhớ mãi một buổi chiều của quãng đời thơ ngây, một buổi chiều
nặng nề, lần đầu đã đặt tôi vào trong cảnh thương tâm của dân quê. Hồi đó,
tôi học ở một trường huyện, hàng ngày qua một cái chợ nhỏ, quán thấp lè tè
và xơ xác.
Chiều hôm ấy, tôi về sớm, ghé vào chợ tìm tổ chim. Chợ đã vãn, dưới
những quán siêu vẹo, chỉ còn rác bẩn và bã mía. Một vài người đàn bà đang
vội vàng thu dọn gồng gánh. Một cảm giác buồn rung động trong lòng tôi,
cảm giác đứng trước một cảnh hoang tàn.
Bỗng tôi chú ý đến một người đàn ông ở góc chợ. Bây giờ tôi chỉ còn
nhớ rằng lúc đó tôi thấy người ấy có một bộ mặt khó đăm đăm. Người ấy
chống đòn gánh đứng cạnh đôi thúng, mà, tôi lấy làm lạ quá, trong thúng là
một thằng bé con. Thấy tôi lại gần, người đàn ông ngập ngừng như muốn
nói lại thôi. Tôi nhìn thằng bé, thằng bé nhìn tôi mỉm cười. Tò mò tôi hỏi :
« Sao bác lại cho em ngồi trong thúng thế ? »
Tôi nghĩ bụng rằng được ngồi trong thúng để bác gánh chắc cũng dễ
chịu như người ngồi xe. Nhưng tôi ngạc nhiên hết sức khi nghe bác ta trả
lời : « Tôi đem bán cháu đấy, cậu ạ ».
- Bán ?
- Bán để làm gì hở bác ?
- Bán để lấy tiền đóng thuế.
Rồi bác ta mỉm cười chua chát : « Cả ngày chả có ai mua, khốn khổ
quá. Đấy, cậu có mua tôi bán rẻ cho ».