không phải họ tự dấn vào chỗ chết ; ai nấy hẳn còn nhớ chuyện triều đình
Mãn-Thanh đổ thuốc phiện của nước Anh xuống bể, Nước Anh khai chiến
với Tàu rồi từ ngày « Tàu bại trận », ả phù dung làm trụy lạc dân Tàu không
biết bao nhiêu mà kể. Gần đây, phong trào bài trừ nạn nha-phiến nổi lên rất
dữ dội. Tưởng-giới-Thạch đã phải dùng đến những phương pháp tối khốc
liệt : số người bị bắn vì hút thuốc kể có hàng ngàn.
Khắp Á-đông ả phù dung chuyên quyền như vậy, nhưng có một nước,
con yêu ấy phải chừa mặt : nước ấy là nước Nhật. Không phải vì nước Nhật
là một cường quốc, có tàu bay, có súng trận ; chỉ vì nước ấy cấm ngặt sự hút
và buôn thuốc phiện. Lần đầu bắt được, phạt đã nặng, đến lúc tái phạm thì sẽ
bị tội khổ sai.
Còn ở nước ta ? Đội quân Nam-Việt đi hi sinh cho nữ thần nha-phiến
một ngày một đông. Nếu họ biểu tình, thế nào họ cũng phải nghiêng mình
chào những lá cờ in hai chữ « R.O. » phấp phới trên những tiệm bán thuốc.
Nhà nước, biết rằng cho dân quyền tự do hi sinh kia là có hại, nên đã nhiều
lần muốn bỏ độc quyền, cấm hẳn việc hút sách, nhưng vì do dự – ngần ngừ
nên ta chỉ thấy những phương pháp nửa chừng – như việc tăng giá thuốc chỉ
có lợi cho bọn buôn thuốc lậu mà thôi. Đông dương hầu thành ra nơi kiếm
ăn rất tốt cho bọn này ; những án mạng, những vụ buôn lậu xảy ra mấy năm
gần đây đã làm náo động dư luận và đã khiến nhân dân cảm biết cái hương
vị vàng lẫn máu lẫn sự bí mật của lối buôn của họ.
Trong đội không quân Nam-Việt kia – không quân vì những lúc thuốc
đã ngấm, con nhà nghiện mơ màng phiêu diêu như bay bổng trên mây, như
một nhà phi-công có tài lượn trên không – đáng thương nhất là hạng thanh
niên trí thức, hy vọng của tương lai. Thanh niên dễ cảm, ít nghị lực, nên dễ
say đắm ả phù dung. Không có gì khác. Chỉ một ngày chán nản, một giây
thất vọng cũng đủ xô đẩy họ xuống vực sâu. Họ muốn quên, mà muốn quên
còn gì bằng vài ngọn khói nồng nàn, say sưa. Nha phiến hàn những vết
thương của linh hồn một cách nhẹ nhàng, êm ái, nhưng, khi đã hàn xong, là
khi nàng tiên ấy trở nên một con yêu quái.