Lập hội làm cho đồ hàng tăng giá trị lại còn lợi là thành ra một cơ khí
để hội viên bênh vực cho quyền lợi của mình.
Những hội ấy, nhà nước chắc sẽ sẵn lòng giúp đỡ về đủ mọi phương-
diện. Chính phủ chắc sẽ nghe lời thỉnh cầu của hội, tìm cách làm hội trở nên
thịnh vượng : quảng cáo nhiệt liệt cho đồ hàng của ta ở bên Pháp và ở mọi
nơi ; tìm những xứ có thể tiêu thụ được đồ hàng ấy ; đặt thuế nhập cảng hay
bỏ thuế xuất cảng để làm lợi cho hàng trong nước ; đặt giải thưởng để
khuyến khích sự khôn khéo của nhà xuất sản.
Với cái chương trình ấy, với một lòng sốt sắng, với sự thành thực của
chính phủ, ta có thể mong đưa dân quê đến một đời êm ấm, sung sướng hơn.
VII. CÔNG ĐIỀN
QUYỀN sở hữu về đất cát được người ta tâng bốc cũng nhiều, bị người
ta công kích cũng lắm. Các nhà kinh tế ôm chủ nghĩa lạc quan tán dương
quyền ấy là nền tảng của xã hội, và viện ra nhiều lẽ để bênh vực.
Lấy đại cương mà nói, thì họ đã đi tìm ý nghĩa của quyền sở hữu ấy
theo hai đường khác nhau.
Hoặc họ bảo nhà nông có quyền sở hữu về đất cát, vì họ đã có công
trồng trọt, quyền ấy là do mồ hôi nước mắt họ tạo ra. Nhưng nếu vậy, đất cát
không có thể coi là của riêng của một người được, vì trước khi có tay người
dúng vào, đất cát vẫn có sẵn rồi.
Hoặc họ bảo quyền sở hữu về đất cát sở dĩ họ bệnh vực, là vì có ích lợi
cho xã hội. Những người hiện giờ có đất, có ruộng tư, là những người có thể
dùng đất ấy, ruộng ấy mà làm lợi cho xã hội hơn những người khác. Cái đó
không lấy gì làm chắc, vì các nhà đại điền chủ có nghĩ gì đến xuất sản để
làm lợi cho xã hội, họ chỉ cần hoa lợi đến tay họ cho thật nhiều mà thôi.
Những lẽ ấy khiến nhiều nhà kinh tế, nhất là những người thiên về chủ
nghĩa xã hội, đi tìm những phương pháp có thể cải cách hoặc hủy bỏ quyền
sở hữu kia đi.