Ngoài những sự lạm dụng ấy, lập đồn điền còn có một kết quả đáng để
ý, là gây nên một hạng lao động cặm cụi khổ sở, làm lợi cho người khác
hưởng.
Đồn điền ở Đông dương càng ngày càng nhiều. Những khoảng đất
mênh mông, những đồi núi liên miên bát ngát được khai thác. Số dân lao
động vất vả trong đồn điền cũng càng ngày càng nhiều hơn.
Tuy vậy, mãi đến năm 1927, người ta mới thấy chính phủ để ý một cách
sốt sắng đến đời hạng dân đáng thương ấy kéo một cách nặng nhọc ở những
nơi ma thiêng nước độc. Bắt đầu từ năm 1918 chính phủ đã có đặt ở trong
Nam một viên thanh tra lao động, nhưng vì luật lệ chưa phân minh, nên
công việc của viên thanh tra ấy không thể có kết quả đáng kể được. Đến lúc
ông Varenne sang làm Toàn quyền, chính phủ mới nghĩ đến việc che chở
nhân công bản xứ : để các ông chủ khỏi đè nén, bóc lột, để cho nhân công
được hưởng ít chút vệ sinh, không đến nỗi bỏ thân ở nơi đất đỏ một cách
quá dễ dàng như kiến cỏ.
Đạo nghị định Varenne ngày 25 tháng mười năm 1927, tuy có sửa đổi ít
nhiều trong khoảng năm 1935, vẫn còn là một đạo luật cốt yếu trong việc
che chở ấy. Theo đạo luật đó, lên mười bốn tuổi đã có thể nai lưng làm việc
rồi, nhưng chỉ khi nào cha mẹ kẻ vị thành đinh cũng làm việc trong đồn điền
mà thôi. Lên mười tám tuổi thì được hẳn tự do, tự do ký hợp đồng làm thân
lao động trong vòng ba năm, và sau khi ba năm đã hết, lại được tự do ký một
hợp đồng khác, cứ mãi như vậy cho đến trọn đời cũng không ai nói gì.
Những dân nghèo ký hợp đồng như vậy, cứ theo đúng đạo luật nọ, thì
lúc nào cũng được chăm nom săn sóc một cách nhiệt liệt, nưng như nưng
trứng, hứng như hứng hoa.
Thoạt đầu tiên là họ được thầy thuốc đến khám xem có khỏe mạnh, đủ
sức để làm việc hay không. Rồi lại được bọn cai mộ phu tả cái thế giới đẹp
đẽ họ sẽ được sống ở trong đồn điền được ông chủ cấp trước cho một ít tiền
để trang trải công nợ hay giao lại cho vợ dại con thơ. Đến lúc ký hợp đồng,
thì họ được hoàn toàn tự do, người ta sẽ phải dịch cho họ biết tờ hợp đồng