ấy thế nào, quyền lợi của họ những gì, bổn phận của họ ra làm sao, phân
minh khúc triết. Bao nhiêu tiền phí tổn, tiền giấy má, thẻ căn cước, tiền chụp
ảnh… ông chủ đều ra tay cáng đáng, họ không phải lo mảy may nào.
Lúc đã ký xong hợp đồng, ông chủ phải biếu không họ những thứ cần
dùng : một cái chăn đắp khi lạnh, một cái áo tơi để che mưa, một bộ quần áo
để đi làm, một cái nón lá, ngoài ra, tiền chi phí, ăn uống dọc đường đều là
tiền của ông chủ bỏ ra để họ được sung sướng cả.
Đến đồn điền, họ sẽ bắt đầu làm việc. Nhưng không phải là làm miên
man suốt ngày suốt buổi như trâu ngựa. Theo đạo luật Varenne, trong hai
mươi bốn giờ, họ chỉ phải làm có mười giờ, mà trong mười giờ ấy họ lại còn
được nghỉ hai giờ để ăn uống và ngủ trưa nữa. Có làm thêm giờ ông chủ
phải trả thêm công, và công lúc đó phải cao gấp rưỡi lúc bình thường. Như
vậy còn ai không muốn làm thêm nữa.
Làm việc đã thong thả, ăn uống cũng được nhà nước săn sóc tới. Theo
đạo nghị định quý hóa kia, đồ ăn của chủ đem cung cấp phu phen phải là đồ
ăn hạng tốt, tươi và lành, đủ cho mỗi người có 3200 nhiệt độ, nghĩa là phải
có đủ :
- gạo : 750 grammes hay bánh mì : 200 grs.
- thịt : 200 gr hay cá : 400 gr.
- rau : 300 gr.
- muối : 20 gr.
- chè 5gr.
- mỡ 20 gr.
- nước mắm hay tương 15 gr.
Nhà cửa được ở không trả tiền, mà phải cao ráo, hợp vệ sinh như những
căn nhà của hội Ánh sáng. Đi làm trong rừng thì lại được đôi xà cạp, khi bị
sốt rét rừng thì đã có thuốc quinine trữ sẵn, ốm lắm thì vào nhà thương, mà
vạn nhất có chết chăng nữa thì đã có quan tài của ông chủ biếu không.
Thật đã là chu đáo lắm vậy. Nhưng đó chỉ là đời của bọn dân nghèo
sống ở trên mặt giấy. Đời thực của họ, ai cũng biết, ai cũng đã từng được