Chính phủ đã nhận thấy điều đó, ta nên lấy thế làm mừng. Ông toàn-
quyền Brévié, trong bài diễn văn đọc lúc khánh thành đập Đô lương, có
tuyên bố rằng giải quyết vấn đề nhân mãn, có hai việc cần cấp phải làm :
một là tiến hành một cách mau chóng công cuộc dân thủy nhập điền ở miền
Bắc, hai là di dân vào phía tây miền Nam.
Công cuộc di dân đây không phải là dem dân đến làm lao động cho một
điền chủ. Lối di dân như vậy không phải giải quyết được vấn đề gì, mà lại đi
hại nữa : cái hại tạo thành một hạng lao động nông dân nai lưng làm việc
khổ sở cho một số ít ngồi hưởng. Vả lại hạng lao động ấy, vì không có điều
gì ràng buộc họ với ruộng đất họ khai thác, nên chỉ có một điều mong mỏi :
là chóng hết hạn giao kèo để họ được về quê hương. Nạn nhân mãn vì vậy
vẫn là nạn nhân mãn.
Vì những lẽ ấy, điều cốt yếu trong việc di dân, là làm thế nào cho nông
dân đem đến khai thác miền hoang dã trở nên chủ nhân những ruộng nương
họ đã có công bón tưới. Có như vậy, họ mới sẵn lòng ở lại, sẵn lòng coi nơi
họ có nhà, có ruộng là quê hương mới của họ.
Quê hương mới ! vấn đề di dân thành bại là do ở ý tưởng ấy. Nếu
những nông dân di vào miền Nam coi nơi họ ăn làm là quê hương của họ,
thì mọi việc đều ổn thỏa. Đó là một điều khó khăn, vì phần đông dân quê chỉ
quanh quẩn sau lũy tre xanh, và nhất là vì họ có những quan niệm về gia-
đình xã hội quá hủ, vì họ không thiết trọng sự sống của họ mà chỉ biết trọng
sự thờ phụng tổ tiên. Bao giờ người dân quê không coi việc tạ mộ bố mẹ,
ông bà, là một nghĩa vụ cần thiết hơn hết thảy bấy giờ sự di dân sẽ rất dễ
dàng. Muốn thế, dân quê phải có học. Muốn thế, chính phủ cần phải tuyên
truyền phổ thông những ý nghĩa mới về cuộc đời. Muốn thế, công cuộc giáo
dục dân chúng cần phải đi đôi với công cuộc di dân.
Hiện giờ, vì dân quê vẫn còn có cái quan niệm cũ về đời người nên ta
cần phải trọng cái quan niệm ấy, lập nên ở những nơi di dân đến, những
làng, những đình, cùng cách tổ chức hiện có ở thôn quê miền Bắc. Song, lập
làng, lập đình thì còn có thể được, đến ngôi mộ tổ cần phải có người hương