để đưa hết thảy dân quê ra ngoài nạn ngu tối. Hiện giờ, đã có nhiều người
hưởng ứng và thực hành cái ý tưởng ấy. Nhưng, muốn tự lực học đoàn thật
có hiệu quả, cần phải lập hội phân minh để công cuộc tiến hành một cách
đường hoàng, khỏi có người ngờ vực rằng đoàn có mục đích gì bí mật có hại
đến việc trị an, như người ta đã ngờ vực công cuộc của ông Monet độ nào.
Muốn phá tan lòng ngờ vực ấy, chúng tôi rất mong ông Bertrand – học chính
tổng trưởng Đông-pháp, một người thành thực muốn đưa nước Nam đến cõi
văn minh – để ý đến học đoàn và đứng lên giúp cho đoàn chóng thành lập.
Chúng tôi không muốn gì khác là trong trật tự, trong luật pháp, hết thảy
người trí thức trong nước có thể hết lòng làm việc cho dân quê lao khổ được
hưởng chút ánh sáng của sự văn minh.
II. VŨNG NƯỚC TÙ
NHIỀU người Pháp sang làm giầu ở Đông-dương, lúc trở về cố-quốc
nói rằng từ ngày dân quê Việt-Nam hấp thụ văn-minh thái-tây, họ được yên
ổn làm ăn và sinh sôi nẩy nở một cách mau chóng quá sức tưởng-tượng.
Dân quê sống trong sự yên ổn ! Chúng ta đã rõ những đêm dài, đầy sự
kinh khủng, của dân làng không đủ khí giới để chống chọi với quân cướp
hùng hổ.
Còn về vấn để sinh sản mau chóng, câu đầu lưỡi của người ta là bảo
chính đó vì dân quê đã hiểu biết vệ sinh chút ít. Nhưng sự thật đâu có phải
như vậy. Vệ sinh, có lẽ chỉ những dân hơi phong phú ở chốn đô hội là biết
tới. Ở thôn quê, đến những điều vệ sinh thường thức rất cần cho sức khỏe,
họ cũng không biết. Là vì không ai bảo cho họ biết. Cho nên xưa kia họ
sống thế nào, bây giờ họ vẫn sống làm vậy. Văn minh Tây phương chỉ như
lượt vôi mỏng phủ lên bức vách nát mà thôi.
Sau lũy tre óng ả, cuộc đời vẫn như trước. Không tin, tôi xin mời đến
thăm những làng hẻo lánh. Ta sẽ phải qua những ngõ lầy lội, bẩn thỉu ; vào
những gian nhà chật hẹp, mái thấp tỏa xuống đất như bị một mãnh lực nào
đè bẹp, không cất lên được.