BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT - Trang 123

chúng ta sẽ có sức tự tín mãnh liệt, vì không còn lệ thuộc vào sức thiêng liêng bên
ngoài. Chúng ta tự nhận là chủ nhân ông toàn cả cuộc đời của mình.
Nhân

quả là dòng biến động sanh diệt tiếp nối, nên nó là hiện thân của Vô

thường. Vì vô thường nên mãi lăn lộn trong vòng sanh diệt, cũng là thành quả của luân
hồi. Chủ thuyết nhân quả không phải cố định cứng khằng, mà linh động thăng giáng,
tùy theo sự đủ thiếu các nhân của nó. Người học Phật nhận chắc lý nhân quả, là đã có
căn bản vững vàng trên đường tiến tu. Đồng thời cũng gạt phắt những thuyết mê tín vu
vơ như: đồng bóng, bói xăm, tướng số, may rủi... Vì biết rõ mọi tác động đẹp xấu của
chúng ta, sẽ cải tạo xây dựng một cuộc đời vui khổ trong hiện tại và vị lai. Còn băn
khoăn trông đợi, thắc mắc điều gì mà phải đi coi bói tướng số? Thế là, chúng ta can
đảm nhận chịu mọi trách nhiệm hay dở do mình gây nên, không còn oán hờn kêu than
chi cả. Cũng phá tan những bệnh chấp: định mạng, nhất nhân, vô nhân. Vì biết rõ vạn
vật trên thế gian không có cái gì cố định, duy nhất, ngẫu nhiên, mà đều do nhân quả
hình thành.

II. Duyên sanh:

Nhìn về mặt không gian, vạn vật đều do các duyên chung hợp thành hình. Cho

nên nói “các pháp từ duyên sanh”. Duyên là chỉ cho nhiều phần tử tổ hợp thành một
vật thể. Vật thể không tự có, phải do nhiều nguyên tố hay nhiều phần tử chung hợp.
Nói tới duyên sanh là không chấp nhận sự đơn thuần, mà khẳng định là hợp thể. Vạn
vật có hình tướng trên quả địa cầu và kể luôn quả địa cầu đều do các duyên chung hợp
thành hình. Cho đến những thứ không có hình tướng, chỉ có tác động, cũng thuộc
duyên sanh.
Trước khảo sát những vật có hình tướng gần chúng ta nhất. Như cái bàn viết
hiện đây của ta, trước nó không tự có, phải có gỗ, có đinh, có bào, có đục, có cưa... và
có ông thợ mộc, do sự cưa xẻ bào đục kết ráp của ông, sau mới thành cái bàn. Những
nguyên liệu dụng cụ và ông thợ mộc, đều là duyên chung hợp thành cái bàn. Nếu có
người hỏi: cái bàn này do vật gì làm ra, chúng ta đáp: do ông thợ mộc, hoặc do gỗ...
Đó là lối đáp đơn thuần, không đúng toàn thể của cái bàn. Nếu chấp lối đáp ấy đúng,
thì mắc phải bệnh thiên kiến.

Đến như cái nhà chúng ta hiện ở hoặc nhà lá hay nhà gạch, trước nó cũng không

tự có. Nếu là nhà lá, phải có cột kèo đòn tay cây lá rồi, sau chúng ta mới ráp lại thành
cái nhà. Nếu là nhà gạch, phải có gạch xi măng cát vôi ngói gỗ và thợ hồ, mới xây
thành cái nhà. Khi thành hình cái nhà, gọi là duyên hợp; khi cái nhà hư hoại đi, gọi là
duyên tan. Chỉ do duyên hợp duyên tan, thật thể cái nhà vốn không thật có.
Khảo sát như thế qua mọi sự vật, chúng ta không thấy có một sự vật nào không
phải duyên hợp mà thành. Dù vật nhỏ bé như cây kim ngọn cỏ, vật to lớn như núi biển
quả địa cầu, đều nằm chung trong một thông lệ ấy.
Cho

đến những thứ không có hình tướng, chỉ thấy tác động, cũng do duyên hợp

mà có. Như điện, gió, chúng ta không thấy hình tướng nó, chỉ biết khi tác động dấy
khởi. Về điện thì có điện âm điện dương, phối hợp mới phát khởi hiện tượng. Về gió
phải có khí nặng khí nhẹ... mới có hoạt động.

Nơi con người, tư tưởng dấy khởi cũng phải có sáu cơ quan làm chỗ tựa và đối

diện với trần cảnh bên ngoài. Nếu ba phần - tư tưởng, cơ quan, trần cảnh mà thiếu một
thì, không sao dấy khởi được. Thế nên mọi tác động có ra, đều do duyên hợp mà có.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.