Nói duyên sanh là nhằm vào hợp thể, choán một khoảng không gian. Đã là hợp
thể thì không có tự thể và thật thể. Tự thể đã không thì, tên đặt cho sự vật cũng rỗng.
Ví như tên “cái nhà”, chúng ta phân tích từng viên gạch, từng miếng ngói v.v... ra, tìm
xem cái gì là “cái nhà”? Chỉ khi hợp thể thành hình, tạm đặt cho nó một cái tên. Cái
tên ấy chỉ có giá trị tạm thời, từ khi hợp thể thành hình, bởi trước và sau nó vốn không
có. Chính ngay khi thành hình, chúng ta phân tích từng đơn vị một, tìm tự thể cái tên
chung ấy, vẫn không có. Nên nói: “các pháp duyên sanh tự thể là không”. Trước
không, sau không, giữa cũng chẳng thật, nên sự có mặt của các hợp thể là hư giả huyễn
hoá. Do đó, nói đến lý duyên sanh thì, xem vạn vật đều như huyễn như hoá.
Thông
suốt lý duyên sanh, chúng ta thoát khỏi hai chứng bệnh: thiên kiến và mê
lầm. Nhất là bệnh mê lầm, quả là bệnh trầm kha khó chữa trị. Vạn vật do hợp thể mà
có, hư giả không thật, lại mê lầm chấp là thật. Vì chấp thật nên theo đó có yêu ghét và
sanh tham sân. Đó là nguyên nhân mãi lăn trong vòng luân hồi sanh diệt. Biết rõ duyên
sanh hợp thể hư giả là, dứt mê lầm chuyển thành trí tuệ. Đây là cửa ngõ của lâu đài
giác ngộ.
Trong
phần “Chân lý phổ biến”, lý nhân quả và duyên sanh là hai sự thật, tràn
đầy trên vạn vật và mọi tác động của chúng sanh. Sự thật ấy, quá khứ hiện tại vị lai
đều không thay đổi. Song nó tinh vi khó hiểu, người chịu khó nghiền ngẫm phân tích
kỹ càng mới nhận ra được. Hai sự thật này nhằm vào hai chiều của vũ trụ, nhân quả
chạy suốt chiều dọc thời gian, nhân duyên xuyên tột chiều ngang không gian. Do đó,
gọi là “Chân lý phổ biến”.