CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI
Một thực thể không lệ thuộc nhân quả, duyên sanh, thoát ngoài đối đãi là chân
lý tuyệt đối. Không thuộc nhân quả nên không sanh diệt vô thường. Không thuộc
duyên sanh nên không phải hợp tướng giả dối. Thoát ngoài vòng đối đãi nên không trị
liệu, không so sánh, không luận bàn, không suy nghĩ đến được. Thực thể này không lệ
thuộc thời gian, không bị chi phối của không gian, vượt ngoài mọi đối tượng trong vũ
trụ. Chính nó là sanh mạng là mạch sống của chúng sanh, mà chúng sanh không nhận
ra nó. Nó hiển nhiên hằng có mặt nơi chúng ta, mà chúng ta lãng quên nó một cách
đáng thương. Nó là thể chẳng sanh chẳng diệt vĩnh cửu trường tồn của chúng ta, chúng
ta không biết đến nó, đi nhận cái sanh diệt tạm bợ làm mình. Bỏ quên thực thể này là
vô minh là si mê, nhận được nó là giác ngộ là trí tuệ. Bỏ quên nó, đi theo sanh diệt là
luân hồi, nhận sống với nó là vô sanh giải thoát. Bởi thực thể này hệ trọng dường ấy,
nên chúng ta phải biết: Nó tên gì? Làm sao nhận ra nó? Nhận được nó có lợi ích gì?
Chúng tôi sẽ theo thứ tự giải quyết những thắc mắc này.
Thực thể này nguyên không có tên, trong Phật pháp tùy công dụng gắng gượng
đặt rất nhiều tên: Kinh Kim Cang gọi là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật tức là trí tuệ cứu
kính như kim cang. Bởi vì trí tuệ này không có cái gì phá hoại được nó, mà nó hay phá
hoại tất cả, như chất kim cang. Kinh Viên Giác gọi nó là Viên giác tánh, là tánh giác
tròn đầy. Vì đối với các thứ chân lý, chúng ta nhận được từng phần chân lý nào thì,
giác ngộ phần chân lý ấy, nên gọi là phần giác. Chỉ nhận được Chân lý tuyệt đối này,
mới gọi là giác ngộ viên mãn. Kinh Pháp Hoa gọi là Tri kiến Phật hay Phật thừa. Bởi
vì nó là cái thấy biết Phật, là cỗ xe đưa người đến Phật quả. Kinh Hoa Nghiêm gọi là
Trí tuệ Phật. Vì nhận được thực thể này là trí tuệ giác ngộ của chư Phật. Kinh Lăng
Nghiêm gọi là Chân tâm hay Như lai tàng. Nó là tâm thể chân thật hay kho tàng Như
Lai của chúng sanh. Kinh Duy-ma-cật gọi là Pháp môn bất nhị, vì nó vượt ra ngoài
vòng đối đãi hai bên. Thiền tông gọi là Chân tánh. Nó là tánh chân thật của tất cả
chúng sanh. Lại còn những tên thông dụng là: Chân như, Phật tánh, Pháp thân, Đạo,
Bản lai diện mục..., không thể kể xiết.
Tạm biết tên thể này một cách khái quát rồi, chúng ta cần phải nhận ra mặt mày
nó mới là điều thiết yếu. Song phàm có nói năng có trình bày đều thuộc về tương đối,
làm sao diễn đạt khiến người chưa hiểu nhận được. Đây quả là điều thiên nan vạn nan.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng gắng gượng trước tạm đặt những nguyên tắc, kế dẫn lời
Phật dạy trong kinh, sau cùng nhắc lại những phương tiện của Thiền sư, họa chăng quí
độc giả có nhận được phần nào chăng?
Chúng ta tạm đặt những nguyên tắc để khả dĩ nhận ra mặt mày của nó. Phàm
cái gì “có hình tướng đều do duyên hợp là hư giả”, cái gì “có tác động là sanh diệt”,
cái gì “đối đãi là không thật”. Ngược lại, cái gì “không hình tướng, không tác động,
không đối đãi là chân thật thường còn vô sanh”. Cái không hình tướng thì không giới
hạn chỗ nơi trong ngoài. Vừa đặt câu hỏi tìm chỗ nơi nó là sai. Cái không tác động thì
không sanh diệt, không bị vô thường theo thời gian. Đặt vấn đề thời gian với nó là sai.
Cái không đối đãi thì không còn so sánh không phân biệt. Đặt vấn đề so sánh phân biệt
với nó là sai. Thực thể này tràn đầy hiện hữu nơi chúng ta. Vừa dấy tâm tìm kiếm nó là
sai. Nó là thực thể của giác tri, không phải cái đối tượng giác tri. Nếu khởi nghĩ cầu
biết nó là sai. Nó không hình tướng, không tác động, không đối đãi, mà có mặt khắp ba
nơi ấy. Cho nên nghĩ ly khai hình tướng tác động đối đãi để tìm nó là sai. Yếu chỉ nhận
ra nó là tự ta “trực nhận, thầm nhận”. Lời Phật dạy, phương tiện Tổ chỉ đều là lối “đập