gác cửa thường trực. Cũng vậy, nơi tai chúng ta nếu không có cái linh tri thường trực,
khi động làm sao có phản ứng kịp thời. Ở đây vừa gọi liền đáp, không có phút giây
chờ đợi nghĩ suy gì cả. Cho đến đang lúc ngủ say, bỗng có tiếng gọi to cũng giật mình
thức giấc. Càng thấy rõ cái linh tri nơi tai chúng ta không khi nào vắng mặt. Chỉ khi
thức các cơ quan hoạt động thì nó sáng, lúc ngủ các cơ quan đóng bít thì nó mờ. Cái
linh tri này mới thật là Chủ nhân ông hay “Bộ mặt thật xưa nay” của chúng ta. Chúng
ta quên lửng ông chủ, cứ chạy theo khách trần bên ngoài. Một bề quên mình theo vật,
nên mãi trầm luân sanh tử. Đang lúc hoạt động lăng xăng, có người hỏi: cái gì là ông
chủ, chúng ta bàng hoàng sửng sốt không biết đáp thế nào. Thế là, hằng ngày chúng ta
nói sống vì mình, lo cho mình, mà quả thật chúng ta đã mất mình. Nếu biết rõ ông chủ
của mình, chúng ta mới dám nói thật sống, bằng không biết ông chủ thế nào, làm sao
nói rằng mình đang sống được. Có hoạt động có sống cũng chỉ là cuộc sống vay mượn
mà thôi.
Ông Bùi Hưu thấy hình Cao tăng mà không biết Cao tăng ở đâu. Đó là tâm
trạng quên mất ông chủ, đang thao thức dò tầm. Một tiếng gọi của Thiền sư Hy Vận,
dường như một tiếng sét ngang tai, khiến ông bất chợt ứng thanh “dạ”, chồng thêm
một câu hỏi “ở đâu”, hốt nhiên ông sáng mắt. Ông chủ đã lâu ông băn khoăn thắc mắc
kiếm tìm, bất chợt hiện lồ lộ trước mắt. Hạt châu quí trong búi tóc của nhà vua, trong
kinh Pháp Hoa, chỉ dành tặng riêng cho vị tướng quân có công to nhất, hôm nay ông
nhận được. Cái cao cả quí báu nhất trong đời sống con người là ông chủ. Nhà không
có chủ là nhà hoang, xác thân không nhận ra ông chủ là xác thân rỗng. Vì thế, mục
đích duy nhất của Phật, Tổ là chỉ cho chúng ta nhận ra ông chủ. Ông chủ ấy hằng có
mặt nơi tai, mắt... chúng ta, chỉ khéo nhận liền thấy.
*
“Thiền sư Sư Bị (Huyền Sa) ngồi trong thất, có vị Tăng đứng hầu, nhìn xuống
nền thất có một điểm trắng, Sư hỏi Tăng:
- Ông thấy chăng?
Tăng thưa:
- Thấy.
Sư bảo:
- Ta thấy ông cũng thấy, tại sao có người ngộ người không ngộ?”
Hai
thầy trò đồng thấy một điểm trắng trên nền thất, tại sao thầy ngộ mà trò lại
mê? Bởi vì trò thấy chỉ thấy cái bị thấy, cho nên quên mất ông chủ tức là mê. Thầy
thấy mà không chạy theo cái bị thấy, nhân cái bị thấy nhận ra ông chủ hay thấy của
chính mình, tức là ngộ. Đồng một cảnh mà mê ngộ khác nhau, gốc tại quên mình theo
vật hay nhân vật nhận được mình. Ở hội Linh Sơn đức Phật đưa cành hoa sen lên, Tôn
giả Ca-diếp miệng cười chúm chím, đồng ý nghĩa này. Chư Tổ Thiền tông tận dụng
mọi phương tiện, nào đưa tay, dựng phất tử... khiến người nhận được ông chủ qua cái
thấy của mình.
Ngay
khi
thấy sự vật, tâm không bị dấy một niệm nào, chính khi ấy “bộ mặt
thật xưa nay” bày hiện. Vì có thấy là có biết, cái biết không do suy nghĩ, không do
phân biệt, mới là cái biết chân thật, thoát ngoài đối đãi sanh diệt. Cái biết do suy nghĩ,
do phân biệt đều là động, tạm có rồi không, làm sao nói chân thật được. Cái suy nghĩ
phân biệt lặng xuống, tánh giác tri hiện bày rỡ rỡ, nó mới thật là ông chủ muôn đời của