Hoặc vì sanh kế vất vả nhọc nhằn mà kiếm miếng ăn không đủ, tấm mặc chẳng
lành, chúng ta khởi nghĩ: Ở Ta-bà làm khổ nhọc mà không đủ ăn không có mặc, cõi
Cực Lạc muốn ăn có ăn muốn mặc có mặc, khỏi lo lắng mệt nhọc. Ta quyết định
nguyện sanh về Cực Lạc để được ăn no mặc ấm mà không nhọc nhằn. Đây là hồi đói
rách hướng no ấm...
Tóm
lại, mọi trường hợp mọi hoàn cảnh vừa xảy đến với chúng ta, chúng ta
khéo lợi dụng để hồi hướng về Cực Lạc, khiến tâm chán Ta-bà càng ngày càng mãnh
liệt, lòng ưa Cực Lạc càng lúc càng tăng trưởng. Đó là chúng ta khéo tận dụng cánh
cửa phương tiện ưa chán tiến vào ngôi nhà Tịnh Độ.
Thế nào là cứu kính của pháp Trì danh niệm Phật?
Cũng kinh A-di-đà dưới phần giới thiệu cõi Cực Lạc, đức Phật Thích-ca nói:
“Nếu có người thiện nam thiệïn nữ nghe nói về Phật A-di-đà, chuyên trì danh
hiệu, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày nhất
tâm không loạn, người ấy khi chết được Phật A-di-đà và Thánh chúng hiện ở trước.
Người này khi chết tâm không điên đảo liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật
A-di-đà.”
Người muốn vãng sanh về cõi Cực Lạc phải giữ niệm danh hiệu đức Phật A-di-
đà, hoặc một ngày cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn, nhất định được vãng sanh
về cõi Cực Lạc. Bởi vì hành giả đã chán ngán cõi Ta-bà lắm rồi, một lòng hâm mộ cõi
Cực Lạc, nên dùng sáu chữ Nam-mô-a-di-đà Phật làm công phu tu trì hằng ngày. Dùng
sáu chữ này làm sợi dây xiềng niệt cổ con khỉ ý thức của mình, bắt buộc nó phải nằm
im một chỗ. Tức là đi đứng ngồi nằm làm việc hay nghỉ ngơi đều niệm danh hiệu Phật,
hoặc niệm thầm, hoặc niệm ra tiếng tùy hoàn cảnh. Kiên trì nắm giữ danh hiệu Phật
không lơi lỏng, lâu ngày ý thức sẽ kiệt quệ từ từ, cho đến một ngày nào đó sẽ lặng mất.
Đó là niệm Phật được nhất tâm. Niệm Phật nhất tâm thì ý nghiệp được lắng sạch, thân
nghiệp khẩu nghiệp cũng theo đó sạch luôn. Tức ứng hợp với câu “tam nghiệp hằng
thanh tịnh đồng Phật vãng Tây Phương”. Ba nghiệp sạch hết, còn động lực nào lôi kéo
chúng ta đi vào đường luân hồi?
Song chúng ta cần giản trạch nhất niệm và nhất tâm. Niệm Phật chỉ còn nhất
niệm, được vãng sanh Tịnh độ là sự. Niệm Phật đến nhất tâm, thấy Tự tánh Di-đà duy
tâm Tịnh độ là lý.
Chỉ chuyên trì sáu chữ Di-đà không có niệm nào khác chen vào, mượn một
niệm dẹp tất cả niệm. Duy giữ một niệm niệm Phật, đi đứng ngồi nằm liên tục không
gián đoạn, đến đây là nhất niệm. Nương niệm này cầu vãng sanh về cõi Phật Di-đà
chắc chắn sẽ mãn nguyện, là sự niệm Phật.
Dùng
lục tự Di-đà làm diệu dược trị mọi chứng bệnh loạn tưởng, khi bệnh lành
thuốc cũng bỏ. Tức là niệm Phật đến chỗ vô niệm, chỉ còn nhất tâm chân như, là nhất
tâm. Niệm Phật đến vô niệm, thì thấy tự tánh là Di-đà, bản tâm là Tịnh độ, hiện bày
trước mắt. Tự tánh của mình xưa nay hằng giác, nên nói “Vô lượng quang”. Tự tánh
chưa từng sanh diệt, thoát ngoài vòng thời gian, nên nói “Vô lượng thọ”. Bản tâm
mình xưa nay hằng thanh tịnh do vọng tưởng dấy động nên bị nhiễm ô, theo nghiệp
dẫn đi trong lục đạo, vọng tưởng lắng sạch chỉ còn một tâm thanh tịnh là tịnh độ, nên
nói “TÂM TỊNH THÌ ĐỘ TỊNH”. Đây là lý niệm Phật, đúng với tinh thần Đại thừa
Phật giáo, cùng các pháp tu khác đồng gặp nhau.